Nước là cốt lõi của mục tiêu phát triển bền vững

Nước là cốt lõi của mục tiêu phát triển bền vững
Ngày đăng: 10/12/2021 00:00:00:AM | 199
 Mục lục bài viết

    Nước là cốt lõi của mục tiêu phát triển bền vững

    (TN&MT) - Một trong những mục tiêu của Kế hoạch Hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước là: “Bảo đảm quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện và hiệu quả cao nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự suy giảm của nguồn nước”.

    Để đạt được mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ chủ yếu là “Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia”.

    Sử dụng hiệu quả cho các lĩnh vực của đời sống

    “Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người” (Mục tiêu 6 - Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ) là 1 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

    Để đạt được mục tiêu này, một trong các nội dung của kế hoạch là đến năm 2030, tăng đáng kể hiệu quả sử dụng nước trong tất cả các lĩnh vực, đảm bảo nguồn cung nước sạch bền vững nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nướcgiảm đáng kể số người chịu cảnh khan hiếm nước. Bảo đảm việc khai thác nước không vượt quá ngưỡng giới hạn khai thác đối với các sông, không vượt quá trữ lượng có thể khai thác đối với các tầng chứa nước; thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, bao gồm cả nguồn nước xuyên biên giới thông qua hợp tác quốc tế; bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái liên quan đến nước.

    Thực tế, những năm qua, công tác quản lý tài nguyên nước đã và đang đạt được những thành quả đáng khích lệ, Luật Tài nguyên nước, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và các Thông tư ban hành đã và đang là những công cụ quản lý hiệu quả. Các quy định mới được điều chỉnh, bổ sung trong Luật Tài nguyên nước phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới.

    Tuy vậy, công tác quản lý tài nguyên nước vẫn còn rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đó là thiếu công cụ quản lý mà cụ thể là quy hoạch tài nguyên nước chưa được xây dựng. Việc thực hiện quy hoạch tài nguyên nước hay các quy hoạch chuyên ngành có liên quan đến tài nguyên nước mới chỉ được đầu tư ở cấp tỉnh/thành phố và ở lĩnh vực ngành, các quy hoạch này chỉ tập trung trong phạm vi của tỉnh hoặc đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của từng ngành mà chưa xem xét, đánh giá toàn diện tiềm năng nguồn nước, nhu cầu sử dụng của các ngành, chia sẻ nguồn nước cho các ngành khác, giữa thượng lưu và hạ lưu, cũng như nhu cầu đảm bảo dòng chảy môi trường và duy trì hệ sinh thái thủy sinh… Quản lý theo quy hoạch là một trong những cơ sở, tiền đề quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế.

    Đến năm 2025, thực hiện 15 quy hoạch tài nguyên nước

    Theo Quyết định số 1977/QĐ-BTNMT của Bộ TN&MT, lĩnh vực tài nguyên nước từ nay đến năm 2025 sẽ triển khai thực hiện lập 15 quy hoạch, giao cho 3 đơn vị thực hiện. Trong đó, Cục Quản lý tài nguyên nước triển khai thực hiện lập 5 quy hoạch: Quy hoạch tài nguyên nước (quốc gia); Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông gồm: lưu vực sông Ba, Vu Gia - Thu Bồn và lưu vực sông Đồng Nai. Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện lập 8 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông gồm: Bằng Giang - Kỳ Cùng; Srêpôk; Sê San; Hồng - Thái Bình; Cửu Long; sông Mã; sông Cả; Kôn - Hà Thanh. Viện Khoa học tài nguyên nước triển khai thực hiện lập 2 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông gồm: Hương; Trà Khúc. 

    Bộ TN&MT đang triển khai thực hiện lập quy hoạch cho 6 lưu vực sông,  trong đó, có 3 quy hoạch phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021 (Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San và Srêpôk) và 3 quy hoạch dự kiến trình trong năm 2022 (Hồng - Thái Bình, Cửu Long và Đồng Nai).

    Riêng về lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán dự án “Lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại Quyết định số 1234/QĐ-BTNMT.

    Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, sẽ phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan và đặc biệt là Tổ chức cộng tác vì nước của Ôt-xtrây-li-a để thực hiện các nội dung cụ thể: Đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước: đang thực hiện đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước theo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo 13 lưu vực sông lớn và các lưu vực sông ven biển. Đánh giá hiện trạng và diễn biến tài nguyên nước theo kỳ quy hoạch, hiện tại, Cục đã phối hợp với các đơn vị hoàn thành việc đánh giá hiện trạng tài nguyên nước trên theo 13 lưu vực sông lớn và các lưu vực sông ven biển.

    Cùng với đó, Cục đang xây dựng mô hình dự báo tài nguyên nước theo kịch bản biến đổi khí hậu (theo dự thảo kịch bản biến đổi khí hậu do Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cung cấp) trên các lưu vực sông. Đánh giá nhu cầu sử dụng nước: trên cơ sở báo cáo của các địa phương, quy hoạch của các ngành, các địa phương, Cục đang phối hợp với các đơn vị dự báo nhu cầu sử dụng nước của các ngành trên các lưu vực sông.

    Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường.

    Bài viết liên quan
    Nhu cầu nhân lực về Quản lý tổng hợp tài nguyên nước hiện nay rất lớn
    GDVN -Theo chia sẻ từ phía doanh nghiệp tuyển dụng, nhu cầu sử dụng nhân lực đối với lĩnh vực tài nguyên nước hiện nay là rất đa dạng, cần thiết và cần phải tăng cường.
    Hội thảo Khoa học công nghệ thường niên lần thứ 6 năm 2023
    Sáng 24/11/2023, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (HCMUNRE) tổ chức Hội thảo Khoa học công nghệ lần thứ 6 với chủ đề “Quản lý Tài nguyên và Môi trường hướng đến nền kinh tế tuần hoàn và kỷ nguyên số”.
    Bài viết nổi bật