Hệ thống pháp luật về Tài nguyên nước mới được hoàn thiện đồng bộ từ Luật, Nghị định và Thông tư, sẽ được triển khai và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024

Hệ thống pháp luật về Tài nguyên nước mới được hoàn thiện đồng bộ từ Luật, Nghị định và Thông tư, sẽ được triển khai và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024
Ngày đăng: 25/06/2024 02:34:08:AM | 144
 Mục lục bài viết

    Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 (hiệu lực từ 01/7/2024) đánh dấu một bước tiến rất lớn trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.

     


    Ngày 08/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 19/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, theo đó Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng 02 Nghị định và các Thông tư. Ngay sau khi Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước và các cơ quan chuyên môn khẩn trương xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật với các nguyên tắc, yêu cầu:
     

     

    Một là, đảm bảo hướng dẫn đầy đủ các nội dung đã được Luật giao, đúng tinh thần của Luật đối với từng nội dung chính sách.
     

     

    Hai là, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất với pháp luật về tài nguyên nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan và thi ngay sau khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực (01/7/2024).
     

     

    Ba là, kế thừa, giữ lại những quy định còn phù hợp tại các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, khắc phục những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn để tháo gỡ điểm nghẽn và giải quyết những vấn đề bất cập, bảo đảm tổng thể, toàn diện và sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
     

     

    Bốn là, đảm bảo tài nguyên nước nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu. Rõ trách nhiệm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc triển khai thi hành các chính sách, tránh chồng chéo, xung đột trong quá trình thực thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
     

    Năm là, tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp.
     

     

    Sáu là, đơn giản hóa tối đa, minh bạch các thủ tục hành chính, giảm yêu cầu về nội dung, các hướng dẫn dễ hiểu, dễ áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật về Tài nguyên nước.
     

     

    Bẩy là, phải lấy nội dung đảm bảo An ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng chính sách từ Luật, Nghị định và Thông tư.

     

     

    Ngày 16/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Tài nguyên nước. Nghị định bao gồm 07 chương với 98 điều, gồm: Chương I: Quy định chung; Chương II: Điều tra cơ bản tài nguyên nước và lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành về tài nguyên nước; Chương III: Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước và ngưỡng khai thác nước dưới đất, khoanh vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất; Chương IV: Điều hòa, phân phối tài nguyên nước, chuyển nước lưu vực sông và quy trình vận hành liên hồ chứa, quy chế phối hợp vận hành giữa đập, hồ chứa trên sông, suối; Chương V: Phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra và hạch toán tài nguyên nước; Chương VI: Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và quy định về quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước, chất lượng nước và Chương VII: Trách nhiệm thực hiện và hiệu lực thi hành. 

     

     

    Ngày 16/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Nghị định bao gồm 05 chương với 59 điều, gồm:  Chương I: Quy định chung; Chương II: Kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Chương III: Hành nghề khoan nước dưới đất và dịch vụ về tài nguyên nước; Chương IV: Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Chương V: Trách nhiệm thực hiện và Hiệu lực thi hành.

     

    Ngày 16/5/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Thông tư gồm 5 Chương, 36 điều, cụ thể như sau: Chương I. Quy định chung; Chương II. Phân vùng chức năng nguồn nước mặt; xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Chương Xác định, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu; Chương IV. Bảo vệ nước dưới đất; Chương V. Điều khoản thi hành.



    Ngày 16/5/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước. Thông tư này gồm 4 Chương, 28 điều, các nội dung đều là các nội dung quy định mới, gồm: Chương I. Quy định chung; Chương II. Quy định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; Chương III. Thẩm định và nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước;  Chương IV. Điều khoản thi hành.



    Ngày 16/5/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 05/2024/TT-BTNMT Quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất. Thông tư gồm 5 Chương, 17 Điều. Cụ thể, Chương I: Quy định chung; Chương II: Di chuyển, thay đổi vị trí trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất; Chương III: Giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất; Chương IV: Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị; Chương V: Điều khoản thi hành.

     

     

    Với việc cố gắng, nỗ lực rất lớn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, có thể nói đến nay, Hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật về Tài nguyên nước mới đã được hoàn thiện đúng tiến độ, chất lượng, là một trong những Hệ thống pháp luật chuyên ngành được triển khai xây dựng, hoàn thiện một cách đồng bộ, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và đặc biệt là Luật Tài nguyên nước, 02 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, các Thông tư sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong thực tế và cùng hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.

     

    Tác giả bài viết: DWRM

     

    Nguồn: http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Hoat-dong-cua-Cuc-Tin-lien-quan%2FHe-thong-phap-luat-ve-Tai-nguyen-nuoc-moi-duoc-hoan-thien-dong-bo-tu-Luat-Nghi-dinh-va-Thong-tu-se-duoc-trien-khai-hieu-luc-hieu-qua-va-hieu-luc-thi-hanh-ke-tu-ngay-01-7-2024-13381&fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAAR1rULvPovGngvDu7e2bi634Rb8rd48lGW6Qm2jMHWgECa-0j2eZUA6YIBw_aem_GeDI_S4pXQAzECIJP51dPg