Nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước, quản lý tài nguyên nước bền vững và thích ứng được với biến đổi khí hậu, đảm bảo đời sống cho người dân, việc có nguồn nhân lực chất lượng cao đối với ngành Quản lý tổng hợp tài nguyên nước đang ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị duy nhất trên cả nước đang đào tạo ngành học Quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
Chương trình đào tạo có cách tiếp cận mang tính liên ngành và phối hợp
Bày tỏ quan điểm về tầm quan trọng của ngành học Quản lý tổng hợp tài nguyên nước với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Tài nguyên nước, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, với hơn 70% diện tích bề mặt Trái đất là nước nhưng chỉ có 2,5% là nước ngọt có thể sử dụng và nước sạch còn khan hiếm hơn. Bởi vậy, nước sạch có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người và tiếp cận nguồn nước sạch là quyền của con người.
Theo cô Thảo, ngày nay, sự tác động của biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, ... cùng sự gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu sử dụng nước tăng không chỉ trong đời sống hàng ngày mà cả trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp... đã và đang đặt ra nhiều thách thức với nguồn tài nguyên hữu hạn này.
Nhằm chung tay cùng thế giới để bảo vệ tài nguyên nước, thời gian qua, Việt Nam đã đặc biệt coi bảo vệ và quản lý nguồn nước là một nội dung quan trọng trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán của Việt Nam và được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 đánh dấu một bước tiến lớn nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm chất lượng môi trường sống, đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ, phục hồi, phát triển tài nguyên nước.
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Tài nguyên Môi trường và xã hội, chuyên sâu trong lĩnh vực Quản lý tài nguyên nước, nổi bật trong đó là ngành Quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
Sinh viên ngành học Quản lý tổng hợp tài nguyên nước thực tập đo chất lượng nguồn nước (Ảnh: NTCC).
Cô Thảo thông tin, điểm đặc biệt trong chương trình đào tạo ngành Quản lý tổng hợp tài nguyên nước của nhà trường là cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước mang tính liên ngành và phối hợp.
Theo đó, chương trình học của ngành này không chỉ đảm bảo cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ sở và chuyên ngành mà còn rèn luyện kỹ năng đạo đức nghề nghiệp, xây dựng thái độ tự chủ và chịu trách nhiệm với tinh thần học tập suốt đời, giúp sinh viên phát triển kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề chuyên môn như Điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng - chất lượng nước mặt và nước dưới đất; Lập quy hoạch, kế hoạch phân bổ tài nguyên nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; Lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước…; Vận dụng các văn bản pháp luật trong quản lý tài nguyên nước, các đối tượng dùng nước, các ngành dùng nước, ...;
Đề xuất các giải pháp kỹ thuật bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm và tái sử dụng nguồn nước; bố trí hệ thống công trình phục vụ cấp - thoát nước cho các ngành nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp, thuỷ sản, du lịch...; Sử dụng các công cụ hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số vào điều tra, quản lý thông tin, cảnh báo, dự báo tài nguyên nước, lũ lụt, xói lở, xâm nhập mặn, …
Không những vậy, chương trình đào tạo của ngành học này còn được xây dựng theo định hướng ứng dụng, gia tăng thời lượng thực hành, thực tập giúp sinh viên tự tin, có thêm kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực tế, giúp tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Trong quá trình học, sinh viên có chuyến tham quan nhận thức các công trình thực tế; tham gia thực hành phân tích chất lượng nước, sử dụng các phần mềm chuyên ngành như phần mềm mô hình toán, phần mềm ứng dụng thành lập các bản đồ chuyên ngành; ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nội dung chuyên môn. Ngoài ra, sinh viên Quản lý tổng hợp tài nguyên nước còn có 2 tháng đi thực tập tại các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước trước khi thực hiện khóa luận tốt nghiệp.
Về đội ngũ giảng viên, cô Thảo thông tin, chương trình đào tạo của ngành học Quản lý tổng hợp tài nguyên nước của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng và vận hành bởi đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, với 1 phó giáo sư; 7 tiến sĩ; 6 thạc sĩ, trong đó có 3 nghiên cứu sinh; các giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi, tài nguyên nước, thủy văn, địa chất thủy văn và môi trường.
Sự tiếp cận, hiểu biết của giới trẻ về lĩnh vực tài nguyên nước còn hạn chế
Với những thuận lợi trên từ chương trình đào tạo, cô Thảo bày tỏ, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý tổng hợp tài nguyên nước của nhà trường có thể công tác tại các doanh nghiệp, công ty tư vấn, ban quản lý dự án, liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước; viện nghiên cứu, viện quy hoạch thuộc lĩnh vực thủy lợi, tài nguyên nước và môi trường;
Làm chuyên viên, cán bộ quản lý nhà nước tại các Phòng, Chi cục, Bộ/Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ/Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ/Sở Khoa học và Công nghệ; Các công ty cấp thoát nước; Công ty Tài nguyên và Môi trường; Công ty Khai thác thủy lợi; Các công ty tư vấn về quy hoạch đô thị, vùng liên quan đến quy hoạch và quản lý nguồn nước và phòng chống thiên tai; giảng viên các trường đại học, cao đẳng, …
Một buổi bảo vệ đồ án/khóa luận tốt nghiệp của Khoa Tài nguyên nước, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: NTCC).
Không những vậy, đối với những sinh viên có học lực tốt, trình độ ngoại ngữ tốt, cơ hội đạt được học bổng và đi du học sau khi tốt nghiệp ngành học Quản lý tổng hợp tài nguyên nước là khá rộng mở; có nhiều cơ hội làm việc tại các tổ chức phi chính phủ với mức thu nhập khá cao. Cử nhân ngành này cũng có cơ hội nâng cao nghề nghiệp và khả năng khởi nghiệp.
Cô Thảo thông tin thêm, mức thu nhập của sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý tổng hợp tài nguyên nước có mức thu nhập khá ổn định. Thông thường, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể nhận được mức thu nhập dao động từ 8-15 triệu đồng/tháng.
Đáng nói, dù có cơ hội việc làm và mức thu nhập cao như vậy, thế nhưng, công tác tuyển sinh ngành học Quản lý tổng hợp tài nguyên nước của trường vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định.
Nguyên nhân là do sự tiếp cận, hiểu biết của các bạn trẻ về lĩnh vực tài nguyên nước còn hạn chế nên chưa tạo thành xu hướng quan tâm đến các ngành, nhóm ngành rất cần cho cuộc sống, trong đó có tài nguyên nước. Đây cũng là thiếu sót của việc giới thiệu và quảng bá ngành học này đối với xã hội hiện nay.
Cũng theo cô Thảo, Quản lý tài nguyên nước là 1 trong 9 lĩnh vực trọng yếu của ngành Tài nguyên môi trường. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển vùng và quốc gia, năm 2024 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia khối các trường đại học đào tạo “Khối ngành khoa học sự sống”, với mục tiêu đào tạo nhân lực phục vụ nghiên cứu, xây dựng môi trường sống xanh, phát triển bền vững.
Để ngành học ngày càng phát triển hơn, nhà trường luôn kiên định giữ vững các ngành truyền thống và phát huy việc sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư cơ sở vật chất cũng như liên kết với các doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm để thu hút người học.
Ngoài ra, cô Thảo mong rằng, Nhà nước cần có chính sách đặc thù từ vĩ mô để định hướng cho xã hội và người học, tạo nguồn nhân lực cần thiết đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với những thí sinh đang có nhu cầu quan tâm đến ngành học, cô Thảo cũng đưa ra lời khuyên rằng ngành đào tạo này thường sẽ phù hợp cho những cá nhân thích môi trường năng động, sáng tạo, có tình yêu thiên nhiên, đất nước, đam mê bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững.
Ngành học rất thiết thực và cần thiết
Còn ông Nguyễn Tiến Tùng - Phó Liên đoàn trưởng - Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam cho biết, quản lý tổng hợp tài nguyên nước là nhiệm vụ rất quan trọng đối với xã hội, đất nước ta.
Có thể thấy, trong hơn 20 năm qua, đất nước ta có với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, dẫn đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng tăng lên nhanh chóng. Sự phát triển nhanh về đô thị, công nghiệp, thủy điện dẫn đến nhu cầu khai thác và sử dụng nước với quy mô rất lớn sẽ gây nguy cơ về ô nhiễm, xâm nhập mặn, suy thoái các nguồn nước...
Trước những diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tài nguyên nước đòi hỏi phải có những nghiên cứu, giải pháp và quản lý tổng hợp tài nguyên nước như vậy, Quản lý tổng hợp tài nguyên nước là ngành học rất thiết thực và cần thiết cho xã hội, cho đất nước hiện nay.
Trên thực tế, nhu cầu khai thác và sử dụng nước ngày càng tăng, nguồn tài nguyên nước lại có hạn và cần phải quản lý hiệu quả. Do đó, nhu cầu sử dụng nhân lực cho ngành tài nguyên nước cũng đa dạng, cần thiết và cần phải tăng cường.
Theo đó, các kỹ sư, cử nhân về lĩnh vực tài nguyên nước có thể làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, các địa phương, các đơn vị chuyên môn liên quan đến tài nguyên nước, môi trường đến các công ty tư nhân về tài nguyên môi trường, khai thác nước, công ty tư vấn xây dựng thủy lợi, các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật tài nguyên nước như Word Bank, JICA, Israel… hoặc tự thành lập hoặc làm việc tại các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ về khoa học, kỹ thuật, công nghệ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước và môi trường…
Chia sẻ từ em Nguyễn Thiện Khải, cựu sinh viên khóa 07 (Lớp 07-ĐHTTNN) Khoa Tài nguyên nước, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện em đang làm việc tại Trung tâm Tài nguyên nước và Môi trường thuộc Công ty Tài nguyên nước và Môi trường miền Nam (Trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh).
Với ngành em theo học bậc cử nhân là Quản lý Tổng hợp tài nguyên nước, Khải bày tỏ, các môn chuyên ngành sẽ tập trung vào các môn như Thủy lực 1, Thủy lực 2, Dự báo tài nguyên nước, Phân tích đánh giá chất lượng nước, Quy hoạch và quản lý tổng hợp tài nguyên nước, Điều tra và đánh giá tài nguyên nước, Mô hình toán trong Tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, Kinh tế tài nguyên nước, Kỹ thuật tài nguyên nước, Đánh giá tác động môi trường,… chủ yếu là tính toán kết hợp các bài tập thực hành.
Ngoài ra, ngành học của trường cũng hướng sinh viên đến việc quản lý và sử dụng nguồn nước một cách hợp lý, đồng thời nêu lên được những thực trạng, khó khăn về nguồn nước của nước ta hiện nay để từ đó biết cách bảo vệ nguồn nước phục vụ cho đời sống và sản xuất.
Khải cho biết thêm, trong quá trình học, nhà trường luôn tạo cơ hội cho sinh viên tốt nhất có thể, đơn cử như việc sắp xếp thời khóa biểu hợp lý giúp sinh viên có thời gian rảnh để đi làm thêm. Hơn nữa, môi trường học tập thoáng mát, trang thiết bị hiện đại; thầy cô trong Khoa nhiệt tình, gần gũi với sinh viên.
Còn theo em Hoàng Thùy Trang - thủ khoa đầu ra ngành Quản lý Tổng hợp tài nguyên nước Trường học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (cũng là sinh viên khóa 07, Lớp 07-ĐHTTNN) cho hay, hiện em đang làm việc ở công ty Cấp nước Sài Gòn – Sawaco nêu cảm nhận đây là một ngành học còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam nhưng lại là một ngành học được thế giới rất quan tâm và khuyến khích việc đào tạo, phổ biến rộng rãi.
Khi học ngành này tại Khoa Tài nguyên nước, Trang cũng như các bạn sinh viên khác trong ngành đều được cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về Quy hoạch và Quản lý các tài nguyên nước, các đối tượng dùng nước, các ngành dùng nước thông qua các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; Ứng dụng các phần mềm liên quan đến bản đồ, thiết kế và mô hình để quản lý thông tin, dữ liệu, cảnh báo, dự báo các sự cố xảy ra gây mất an ninh nguồn nước.
Đồng thời được phổ cập thêm những kiến thức chung, cũng như quy định pháp luật về môi trường và tài nguyên có liên quan đến tài nguyên nước nhằm mở rộng thêm cơ hội việc làm trong tương lai.
Mặt khác, Trang cho biết thêm, các thầy cô của Khoa Tài nguyên nước, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh luôn hỗ trợ nhiệt tình, quan tâm, theo dõi sát sao tình hình của sinh viên kể cả khi ra trường như một số bạn chưa tìm được việc thì thầy cô sẵn sàng hỗ trợ, định hướng và giới thiệu việc làm cho sinh viên, …
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/nhu-cau-nhan-luc-ve-quan-ly-tong-hop-tai-nguyen-nuoc-hien-nay-rat-lon-post243387.gd