Tam giác phát triển bền vững: Tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu

Tam giác phát triển bền vững: Tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 13/06/2023 13:58:00:PM | 157
 Mục lục bài viết

    Theo PGS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện nay, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải có quan hệ mật thiết đến tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH) như một xu thế tất yếu. Phóng viên tạp chí Khoa học phổ thông - Sống Xanh đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Huỳnh Quyền về vấn đề này.

    Phát triển bền vững gắn liền với môi trường, biến đổi khí hậu

    - Chúng ta nên hiểu như thế nào về hai cụm từ “môi trường” và “biến đổi khí hậu”?

    PGS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM: Ba nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển đất nước theo định hướng bền vững là vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội vừa phải bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH. Trong nhiệm vụ thứ hai, khi nói về môi trường, thường thường người ta sẽ gắn việc “quản lý tài nguyên - bảo vệ môi trường”. Ba nhiệm vụ này rõ ràng liên quan chặt chẽ với nhau.

    Tài nguyên nghĩa là các khoáng sản quốc gia trong đó có cả việc chúng ta phải bảo quản, giữ gìn, khai thác làm sao hiệu quả. Thời gian qua, chúng ta thấy rõ ràng việc quản lý tài nguyên chưa được tốt.

    Tài nguyên không đơn thuần là mỏ đồng, mỏ vàng, mỏ bạc mà tất cả những gì tồn tại trên đất nước này mà chúng ta đang sử dụng trong cuộc sống. Ví dụ như tài nguyên về địa chất khoáng sản, than đá, dầu mỏ, các quặng kim loại…; tài nguyên rừng; tài nguyên biển, tài nguyên nước... Ngay cả không khí cũng được xem là một tài nguyên.

    PGS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM

    Vấn đề đặt ra là chúng ta quản lý những tài nguyên này như thế nào, sử dụng hiệu quả ra sao? Qua những thăng trầm của giai đoạn lịch sử, câu chuyện sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả ngày càng được Đảng, Nhà nước và Bộ Tài nguyên - Môi trường tập trung quan tâm. Ví dụ như vấn đề khai thác cát ở các dòng sông hay khai thác rừng… Tất cả những nguồn tài nguyên khai thác nhằm phục vụ sản xuất, lại liên quan đến vấn đề môi trường.

    Do phát triển công nghiệp ồ ạt thiếu kiểm soát; phát triển kinh tế xã hội, mật độ giao thông tăng nhanh… dẫn đến ô nhiễm không khí; đặc biệt các thành phố lớn đều gặp tình trạng ô nhiễm môi trường. Nói chung, chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường từ nguồn đất đai, không khí, nước, tiếng ồn… Tất cả xuất phát từ phát triển kinh tế xã hội.

    Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường tác động trực tiếp đến BĐKH. Ô nhiễm toàn cầu làm khí hậu trái đất tăng lên, băng tan, mực nước biển dâng lên khiến Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập mặn. Hay hạn hán ở Tây Nguyên do liên quan đến vấn đề quản lý và khai thác nguồn nước. Nước, một tài sản quốc gia, mà chúng ta cứ khai thác ồ ạt, không có quy hoạch, sử dụng hiệu quả thì tương lai BĐKH sẽ dẫn đến tài nguyên nước ở Tây Nguyên ngày càng cạn kiệt.

    Môi trường và biến đổi khí hậu: vấn đề toàn cầu?

    - Tài nguyên ở khía cạnh quốc gia, trong khi môi trường là vấn đề toàn cầu. Do vậy, trước bối cảnh khí hậu toàn cầu đang bị biến đổi, chúng ta ngày càng chú trọng phát triển sản xuất kinh tế một cách được kiểm soát để giảm thải và giảm nguy cơ ô nhiễm.

    Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH trên toàn cầu. Đối với ứng phó BĐKH, mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Chính phủ tích cực tham gia các chương trình, hiệp định liên quan đến ứng phó BĐKH, giảm phát thải. Nhất là trong tất cả các hội nghị COP25, COP26, COP27… Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ cùng với thế giới giảm thải, đến 0% vào năm 2025, nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH.

    Tài nguyên, môi trường và BĐKH đều xuyên suốt trong tất cả hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã làm thay đổi toàn bộ cả kinh tế, văn hóa xã hội và suy nghĩ của con người. Đại dịch ấy xuất phát từ môi trường.

    - Thời gian gần đây, thông tin về xác cá chết nổi dọc theo suối Hón Thành (xã Thanh Xuân, Như Xuân, Thanh Hóa) có phải do các nguồn nước xả thải gây ô nhiễm môi trường hay không? Việc đánh giá các tác động môi trường ở những dự án phát triển kinh tế được thực hiện như thế nào?

    - Tùy theo cấp độ dự án có thể giao cho địa phương hoặc Bộ Tài nguyên - Môi trường đánh giá tác động môi trường của dự án đó. Đánh giá tác động môi trường là một thủ tục cần thiết để đưa ra các dự kiến, giải pháp xử lý, về nguồn xả thải hoặc dự kiến sự cố có thể xảy ra từ hoạt động sản xuất của dự án đó.

    Dĩ nhiên hoạt động đánh giá tác động môi trường của các dự án là bắt buộc phải làm để cho phép triển khai dự án. Tuy nhiên trong quá trình triển khai sẽ có những diễn biến khác và thực tế đã xảy ra rồi. Do vậy sau khi dự án hoạt động chúng ta phải có các đơn vị giám sát. Việt Nam hiện nay đang làm rất tốt các đánh giá tác động môi trường đối với dự án phát triển kinh tế.

     

    Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng giáo trình chuẩn trong đào tạo kỹ sư môi trường, trong đó cập nhật được khoa học kĩ thuật tiên tiến của thế giới, cập nhật được các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề môi trường tại Việt Nam.

    Bên cạnh đó, nhà nước cũng đã đầu tư xây dựng các trạm quan trắc để theo dõi các nguồn thải, chỉ số về nước thải, không khí. Trong tương lai gần và lâu dài, doanh nghiệp cũng phải đầu tư các hệ thống tương tự để bản thân các doanh nghiệp nâng cao ý thức về môi trường, tuân thủ các quy định liên quan đến môi trường,

    Quay trở lại thông tin về cá chết, có nhiều yếu tố tác động. Cá chết chắc chắn môi trường bị ô nhiễm hoặc là có sự thay đổi trong hệ sinh thái xuất phát từ nguyên nhân do một nguồn ô nhiễm nào đó làm cho môi trường sống thiếu oxy; hoặc thậm chí nhiều nơi cá chết do thay đổi thời tiết, BĐKH ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của cá hoặc các động vật thủy sinh.

    Sắp tới đây, theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân, chúng tôi đang xây dựng giáo trình chuẩn trong đào tạo kỹ sư môi trường, trong đó cập nhật được khoa học kĩ thuật tiên tiến của thế giới, cập nhật được các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề môi trường tại Việt Nam.

    Ngoài ra, được sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã xây dựng và triển khai một số đề tài nghiên cứu, trong đó có một đề tài liên quan đến “Văn hóa trong đánh giá tác động môi trường”. Vì trong hoạt động đánh giá tác động môi trường, thông thường chúng ta sẽ thực hiện tham khảo ý kiến của người dân, ý kiến của xã hội. Tuy nhiên, cách chúng ta đặt câu hỏi như thế nào, việc trả lời phỏng vấn ra làm sao, những người dân nhận thức đến mức độ nào để đánh giá chính xác được tác động môi trường từ những dự án.

    Doanh nghiệp cần nhân lực chuyên ngành tài nguyên và môi trường

    - Như ông vừa chia sẻ ở trên, câu chuyện về đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường hiện nay như thế nào?

    - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (HCMUNRE) là trường đại học công lập duy nhất phía Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường, trải qua 45 năm xây dựng và phát triển; với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ trong lĩnh vực công nghệ, quản lý tài nguyên, đảm bảo môi trường sạch cho phát triển bền vững và cùng thế giới ứng phó với các vấn đề BĐKH trên toàn cầu. Bên cạnh đó, HCMUNRE còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực khác. Tài nguyên - môi trường liên quan chặt chẽ đến các lĩnh vực khác.

    Trong thời kỳ của công nghệ số, của nền công nghiệp 4.0, việc đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực không còn đơn thuần như những giai đoạn trước. Khi đó chúng ta đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành hẹp, nghĩa là làm môi trường chỉ biết đến môi trường; hay là quản lý tài nguyên chỉ biết tài nguyên hoặc chỉ chăm chăm vào hoạt động ứng phó BĐKH.

    Trong xu thế hội nhập và công nghiệp 4.0, chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thường xuyên cập nhật định hướng theo phương thức đào tạo “đa ngành, xuyên ngành”.

    Nhà trường đã nhìn nhận và thay đổi từ ba năm trước đối với các chương trình đào tạo. Với quan điểm đào tạo đáp ứng theo nhu cầu của xã hội, trong xu thế hội nhập và công nghiệp 4.0, chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thường xuyên cập nhật định hướng theo phương thức đào tạo “Đa ngành, Xuyên ngành”. Điều này giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kỹ năng nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và kiến thức xã hội, có thể đáp ứng tốt nhất yêu cầu của nhà tuyển dụng.

    Điều đó có nghĩa là một sinh viên học về chuyên ngành môi trường, sẽ phải biết về quản lý tài nguyên, biết về ứng phó BĐKH đồng thời nắm vững các quy định về luật pháp liên quan đến vấn đề môi trường. Từ đó, khi tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp hoặc triển khai công việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, các em sẽ xử lý các vấn đề đó có tính liên ngành; đặc biệt ứng dụng công nghệ số trong tất cả các hoạt động chuyên môn.

    - Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường?

    - Sắp tới đây, chúng ta có nhiều quy định liên quan đến tài nguyên, môi trường dành cho các doanh nghiệp; như vậy chắc chắn bắt buộc doanh nghiệp phải có những kỹ sư, cử nhân chuyên ngành này để giúp cho các đơn vị sản xuất đó tuân thủ theo các quy định dành cho tài nguyên và môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.

    Bởi vì như chúng ta thấy hiện nay, vấn đề môi trường đã trở thành vấn đề toàn cầu. Chúng ta muốn xuất khẩu các sản phẩm từ hoạt động sản xuất tại Việt Nam, bắt buộc chúng ta phải có các chứng chỉ về môi trường. Thực sự điều này đã diễn ra rất nhiều năm, tuy nhiên trong tương lai sắp tới đây, vấn đề nóng lên của toàn cầu, BĐKH đang ngày càng gay gắt, chắc chắn điều kiện cũng sẽ trở nên càng khắt khe hơn.

    Doanh nghiệp khi hòa chung vào hệ thống sản xuất và phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và của cả Việt Nam nói chung, theo Luật hay tất cả các vấn đề liên quan khi triển khai các dự án và hoạt động sản xuất, bắt buộc phải có kỹ sư, cử nhân chuyên ngành tài nguyên – môi trường hiểu về luật, và hiểu về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, để chúng ta tuân thủ tốt và đáp ứng sự phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

    Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nhân lực thuộc chuyên ngành môi trường tài nguyên để hỗ trợ quy trình xét duyệt, giám sát chuyên môn… Ngoài phải đáp ứng các quy định về vấn đề xả thải, vấn đề gây ô nhiễm môi trường theo từng quy định của địa phương, tiêu chuẩn quốc gia, doanh nghiệp phải tuân theo các tiêu chuẩn của thế giới

    Theo tôi, nhu cầu về nguồn nhân lực trong quản lý tài nguyên, BĐKH, phát triển bền vững rất cao. Xu hướng tất yếu của mọi hoạt động sản xuất đều liên quan đến tài nguyên và môi trường. Ví dụ rác thải cũng là nguồn tài nguyên và làm sao xử lý rác thải để làm ra nhiều sản phẩm hơn theo nền kinh tế tuần hoàn.

    Nhưng, hiện nay xu hướng xã hội đang tập trung vào một số ngành như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin… Chắc chắn hai lĩnh vực này đến một lúc nào đó sẽ bảo hòa. Việc quảng bá chuyên ngành được giao cho một số đơn vị hay trường đại học. Việc quảng bá này đôi khi chỉ nhìn ở một góc độ, không thể hiện được tầm vĩ mô và thiếu tầm nhìn dài.

    Hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh kỹ sư, cử nhân hằng năm chính quy của trường là 1.800, ngoài ra trường cũng có tuyển sinh thêm hệ kỹ sư, cử nhân hệ vừa học vừa làm, từ cao đẳng hoặc trung cấp lên, với khoảng 30% trên tổng chỉ tiêu chính quy.

    - Xin cảm ơn ông.

    PV An Quý

    Bài viết liên quan
    Bài viết nổi bật