HYDROGEN XANH: ĐỘT PHÁ CÔNG NGHỆ VÀ HỢP TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM - HÀN QUỐC HƯỚNG TỚI NET-ZERO

HYDROGEN XANH: ĐỘT PHÁ CÔNG NGHỆ VÀ HỢP TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM - HÀN QUỐC HƯỚNG TỚI NET-ZERO
Ngày đăng: 17/07/2025 16:28:00:PM | 864
 Mục lục bài viết

    HYDROGEN XANH: ĐỘT PHÁ CÔNG NGHỆ VÀ HỢP TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM - HÀN QUỐC HƯỚNG TỚI NET-ZERO

     

    Ngày 16 tháng 7 năm 2025 – Hội thảo Hydro Việt Nam - Hàn Quốc 2025 (Vietnam-Korea Hydrogen Workshop 2025) đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (HCMUNRE), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác song phương về năng lượng hydrogen giữa hai quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc. Sự kiện do HCMUNRE, Câu lạc bộ Hydro ASEAN Việt Nam (VAHC) và Hiệp hội Công nghệ Hydro & Pin Nhiên liệu Hàn Quốc (KHFCIA) đồng tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện chính phủ và doanh nghiệp từ Việt Nam và Hàn Quốc.

     

     

    Đặc biệt, hội thảo vinh dự đón tiếp các vị khách quý và đại biểu đặc biệt, bao gồm:

     

    ♦ Từ phía Hàn Quốc: Ông Youngje Cho, Lãnh sự, Tham tán Thương mại, Tổng Lãnh sự Quán Hàn Quốc tại TP HCM; các đại diện từ Hiệp hội Công nghệ Hydro & Pin Nhiên liệu Hàn Quốc (KHFCIA) như Tiến sĩ Yong-chae Kim (Phó Chủ tịch), cùng các chuyên gia, giáo sư và nhà nghiên cứu từ Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc (KEEI), Viện Công nghệ Năng lượng Hàn Quốc (KENTECH) và đại diện các doanh nghiệp hàng đầu như Air Liquide, Dentium, HEPS, Doosan Fuel Cell, G-Philos.

     

    ♦ Từ phía Nga: Ngài Mikhail Berkutov, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại TP.HCM.

     

    ♦ Từ phía Câu lạc bộ Hydro ASEAN Việt Nam (VAHC): Ông Lê Ngọc Ánh Minh (Chủ tịch), Ông Nguyễn Ánh Tâm (Phó Chủ tịch), cùng các thành viên Ban Điều hành và đại diện các doanh nghiệp, viện nghiên cứu thành viên.

     

    ♦ Từ phía Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (HCMUNRE): PGS.TS Huỳnh Quyền – Hiệu trưởng nhà Trường, TS. Huỳnh Thiên Tài - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại, GS.TS Phan Đình Tuấn cùng các cán bộ lãnh đạo, giảng viên tại HCMUNRE.

     

     

    Phát biểu khai mạc, PGS.TS Huỳnh Quyền – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM – đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo trong việc kết nối tri thức và công nghệ, hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng sạch và bền vững. Ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch VAHC, và Tiến sĩ Yong-chae Kim, Phó Chủ tịch KHFCIA, cũng đã chia sẻ tầm nhìn về sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên để hiện thực hóa tiềm năng hydro.

     

    (PGS.TS Huỳnh Quyền – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM)

     

     

     

    (TS. Yong-chae Kim, Phó Chủ tịch KHFCIA)

     

     

    (Ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch VAHC)

     

    Sức mạnh tổng hợp từ tiềm năng và công nghệ

     

    Các phiên trình bày chuyên môn đã làm nổi bật sự bổ trợ hoàn hảo giữa Việt Nam và Hàn Quốc. TS. Nguyễn Hữu Lương - Viện Dầu khí Việt Nam đã phác thảo "Tiềm năng và Thách thức của Hydro xanh tại Việt Nam", nhấn mạnh lợi thế vượt trội về nguồn năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi, điện mặt trời) - nền tảng thiết yếu để sản xuất hydrogen xanh thông qua điện phân. Nhu cầu khử carbon ngày càng tăng trong các ngành công nghiệp nặng, giao thông và sản xuất điện tại Việt Nam cũng tạo ra thị trường tiêu thụ nội địa đầy hứa hẹn. TS.Trần Thanh Tâm (HCMUNRE) chia sẻ "Định hướng chính sách và Lộ trình hướng tới Net-zero của Việt Nam", làm rõ cam kết và các bước đi cụ thể của Việt Nam.

     

    (TS. Nguyễn Hữu Lương - Viện Dầu khí Việt Nam)

     

     

    (TS.Trần Thanh Tâm - HCMUNRE)

     

    Ngược lại, các chuyên gia Hàn Quốc đã mang đến những cái nhìn sâu sắc về năng lực công nghệ tiên tiến. TS. Jae-kyung Kim từ Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc (KEEI) đã chia sẻ "Các Chính sách Pin nhiên liệu Hydro và Dự án thí điểm tại Hàn Quốc", cho thấy một hệ sinh thái hydrogen đang phát triển mạnh mẽ, từ sản xuất đến hạ tầng ứng dụng. GS. Jihyun Hwang từ Viện Công nghệ Năng lượng Hàn Quốc (KENTECH) đã cập nhật "Tình hình đổi mới công nghệ Pin nhiên liệu Hydro và Phát triển hạ tầng liên quan tại Hàn Quốc", bao gồm các tiến bộ trong công nghệ điện phân, lưu trữ hydro lỏng và trạm nạp.

     

    (TS. Jae-kyung Kim từ Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc KEEI) 

     

     

    (GS. Jihyun Hwang từ Viện Công nghệ Năng lượng Hàn Quốc KENTECH)

     

    Đột phá công nghệ và giải pháp lưu trữ

     

    Hội thảo cũng không thiếu những thảo luận chuyên sâu về các khía cạnh kỹ thuật. PGS.TS Trần Thị Thu Hạnh - Đại học Bách khoa TP.HCM đã trình bày về "Khả năng lưu trữ Hydro cho Pin nhiên liệu", một trong những thách thức lớn nhất của ngành hydrogen. Các nghiên cứu về vật liệu 2D và khả năng hấp phụ hydrogen đã mở ra hướng đi mới cho giải pháp lưu trữ hiệu quả hơn.

     

    (PGS.TS Trần Thị Thu Hạnh - Đại học Bách khoa TP.HCM )

     

    Đặc biệt, phần giới thiệu "Máy hàn Hydro sản xuất tại Việt Nam" của Ông Nguyễn Thiện Bình (Nhà sáng lập HB-Green) là một minh chứng sống động cho năng lực đổi mới sáng tạo trong nước. Sản phẩm này, sử dụng công nghệ điện phân nước để tạo ra khí Oxy-Hydrogen, không chỉ an toàn, hiệu quả mà còn thân thiện với môi trường, cho thấy tiềm năng ứng dụng hydrogen trong các ngành công nghiệp truyền thống.

     

    (Ông Nguyễn Thiện Bình - Nhà sáng lập HB-Green)

     

    Cụ thể hóa hợp tác song phương: Từ MoU đến các dự án tiềm năng

     

    Điểm nhấn quan trọng của hội thảo là Lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ (MoU) giữa VAHC và HCMUNRE, cùng với MoU giữa VAHC và KHFCIA. Những thỏa thuận này không chỉ là cam kết trên giấy mà là khuôn khổ pháp lý để cụ thể hóa các hoạt động hợp tác trong tương lai:

    ♦ Nghiên cứu và Phát triển chung (Joint R&D): Hợp tác trong việc tối ưu hóa công nghệ điện phân phù hợp với điều kiện Việt Nam, phát triển giải pháp lưu trữ và vận chuyển hydrogen hiệu quả.

     

    ♦ Dự án Thí điểm và Trình diễn (Pilot/Demonstration Projects): Triển khai các dự án thực tế để kiểm chứng công nghệ và mô hình ứng dụng hydrogen xanh trong các ngành công nghiệp và giao thông.

     

    ♦ Đào tạo Nguồn nhân lực chất lượng cao: HCMUNRE cam kết phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu, trao đổi sinh viên và nghiên cứu viên để xây dựng đội ngũ chuyên gia hydrogen cho Việt Nam.

     

    ♦ Thu hút Đầu tư và Chuyển giao công nghệ: Các chính sách ưu đãi của Việt Nam (như Nghị định 58/2025/NĐ-CP về hydro xanh) kết hợp với sự quan tâm của các tập đoàn Hàn Quốc (như đề xuất dự án hydrogen xanh và lưu trữ CO2 của SK Group) tạo ra cơ hội lớn cho các dự án quy mô.

     

    (Ký kết Biên bản Ghi nhớ (MoU) giữa HCMUNRE và VAHC)

     

     

    (Ký kết Biên bản Ghi nhớ (MoU) giữa VAHC và KHFCIA

     

    Thảo luận về các dự án song phương

    Tiếp theo lễ ký kết là phiên Thảo luận về các dự án song phương, do TS. Trần Thanh Tâm (HCMUNRE) điều phối. Các diễn giả đã cùng nhau phân tích sâu sắc về cơ hội, thách thức và các bước đi cụ thể để hiện thực hóa các dự án hợp tác, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện khung pháp lý.

     

     

     

    Tầm nhìn chung về Net-zero

     

    Sự hiện diện của các vị khách quý như Ông Youngje Cho, Lãnh sự, Tham tán Thương mại, Tổng Lãnh sự Quán Hàn Quốc tại TP HCM và Ngài Mikhail Berkutov (Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại TP.HCM) cùng đông đảo đại biểu từ chính phủ, doanh nghiệp và viện nghiên cứu đã khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong hành trình Net-zero.

     

     

    Hội thảo đã thành công trong việc tạo ra một diễn đàn sôi nổi, nơi các ý tưởng được chia sẻ, các mối quan hệ được củng cố và các bước đi cụ thể được định hình. Đây là minh chứng rõ ràng cho cam kết của Việt Nam và Hàn Quốc trong việc thúc đẩy hydrogen xanh trở thành một trụ cột năng lượng, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và xây dựng một tương lai bền vững cho khu vực và thế giới.

    Bài viết liên quan
    Bài viết nổi bật