Mở rộng cánh cửa đại học xanh: Chiến lược tuyển sinh 2025 và tầm nhìn phát triển của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

Mở rộng cánh cửa đại học xanh: Chiến lược tuyển sinh 2025 và tầm nhìn phát triển của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 01/07/2025 16:19:13:PM | 14
 Mục lục bài viết

    Mở rộng cánh cửa đại học xanh: Chiến lược tuyển sinh 2025 và tầm nhìn phát triển của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

    Trước những đổi thay nhanh chóng của xã hội số và yêu cầu phát triển bền vững, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đang chủ động mở rộng “cánh cửa đại học xanh”, xây dựng chiến lược tuyển sinh 2025 linh hoạt, đồng thời kiến tạo môi trường đào tạo gắn với trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường. Trong cuộc phỏng vấn dưới đây, PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ tầm nhìn, định hướng và cam kết đồng hành cùng người học trong hành trình phát triển nguồn nhân lực xanh cho tương lai.

     

    Phóng viên: Thưa PGS.TS Huỳnh Quyền, năm 2025 được xem là một dấu mốc quan trọng trong bối cảnh giáo dục đại học bước vào thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ cả về công nghệ, nhu cầu nhân lực và đổi mới phương thức đào tạo. Xin ông chia sẻ những điểm mới trong công tác tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh?

    PGS.TS Huỳnh Quyền:

    Đúng như bạn nói, năm 2025 là thời điểm giáo dục đại học đứng trước nhiều yêu cầu đổi mới và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cũng đang có những điều chỉnh chiến lược để thích ứng linh hoạt, chủ động hơn với xu thế.

    Về phương thức tuyển sinh, năm nay, chúng tôi tiếp tục duy trì 4 phương thức chính đó là dựa vào: Điểm của Kỳ thi THPT; Xét tuyển bằng học Bạ; Kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM và Tuyển thẳng. Tuy nhiên, có một số điều chỉnh phù hợp với Quy định mới về Công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, đồng thời các chỉ tiêu của từng ngành có sự điều chỉnh phù hợp theo định hướng theo nhu cầu nhân lực của thị trường lao động cho những năm đến. Đặc biệt các ngành phục vụ cho lĩnh vực mà Chỉnh phủ ưu tiên cho lộ trình phát triển kinh tế bền vững của Đất nước như các ngành Kỹ thuật - Công nghệ, Quản lý kinh tế thuộc lĩnh vực về Tài nguyên (Quản lí,  Khai thác), Môi trường (Quản lý, công nghệ bảo vệ Môi trường)  và Biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

    Về tiếp cận học sinh phổ thông, nhất là vùng sâu, vùng xa, chúng tôi triển khai mạnh mẽ chương trình “Đại học đến với trường THPT”. Trong năm 2024 và 2025, gần 100 trường phổ thông tại khu vực Tây Nguyên, miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được chúng tôi tiếp cận, tư vấn hướng nghiệp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngành nghề. Ngoài ra, Trường đẩy mạnh nền tảng tư vấn tuyển sinh trực tuyến đa kênh, livestream định kỳ với giảng viên, cựu sinh viên để học sinh và phụ huynh nắm bắt dễ dàng, kịp thời các thông tin mới.

    Về ngành học, điểm nhấn năm 2025 là mở mới hoặc nâng cấp chương trình đào tạo một số ngành mũi nhọn, như: Kỹ thuật môi trường thông minh, ứng dụng IoT và AI vào giám sát môi trường; Kinh tế tài nguyên và kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu quản trị tài nguyên bền vững và chuyển đổi kinh tế xanh; Quản lý dữ liệu không gian (GIS - viễn thám số), gắn với quy hoạch thông minh, Quản lý sử dụng hiệu quả Tài nguyên Đất; và đặc biệt là nhóm ngành biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

    Các chương trình đào tạo mới đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc Liên ngành - Xuyên ngành và trên nền tảng tiếp cận chuẩn quốc tế, tích hợp kỹ năng số, tư duy hệ thống và cập nhật công nghệ, nhằm giúp sinh viên khi ra trường có thể đáp ứng ngay nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực môi trường, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị thông minh, quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.

    Chúng tôi cũng đang xúc tiến liên kết với doanh nghiệp và địa phương trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, để “đào tạo ra là làm được việc ngay”, hướng đến mô hình đại học ứng dụng, đại học gắn với thực tiễn phát triển xanh của đất nước.

    Năm 2025, công tác tuyển sinh của nhà trường đã có một số đổi mới, đột phá  quan trọng, bắt đầu từ việc mở rộng quy mô tuyển sinh theo định hướng nhu cầu và yêu cầu về chất lượng của thị trường lao động trong những năm đến gắn với việc nâng cao chất lương đào tạo thông qua việc thay đổi phương thức giảng dạy, tăng cường hợp tác Quốc tế và trong nước.

    Ngoài ra, Nhà trường còn đẩy mạnh chính sách học bổng đầu vào, hỗ trợ sinh viên vùng khó khăn, sinh viên đạt thành tích học tập - nghiên cứu, cũng như kết nối với doanh nghiệp để cam kết cơ hội việc làm sớm cho sinh viên.

     

    Sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh được tạo điều kiện tiếp cận phòng thí nghiệm hiện đại, phát triển kỹ năng thực hành và nghiên cứu khoa học ngay từ giảng đường.

     

    Phóng viên: Được biết Nhà trường đang hướng tới mô hình “đại học xanh” - một xu thế phát triển bền vững của giáo dục đại học hiện đại. Xin ông chia sẻ rõ hơn, chiến lược này của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đang được triển khai như thế nào trong bối cảnh hiện nay, khi biến đổi khí hậu, khủng hoảng môi trường và áp lực chuyển đổi năng lượng ngày càng lớn? Liệu “đại học xanh” của Nhà trường có chỉ dừng lại ở việc cải tạo cơ sở vật chất thân thiện môi trường, hay được hiểu là một chiến lược toàn diện, tích hợp từ chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học đến quản trị và tác động xã hội?

    PGS.TS Huỳnh Quyền:

    Khái niệm “đại học xanh” đối với chúng tôi không chỉ là một mô hình quản trị mang tính hình thức hay công trình kiến trúc thân thiện môi trường, mà là một triết lý phát triển xuyên suốt, định hình văn hóa học đường, nội dung đào tạo, định hướng nghiên cứu và cả trách nhiệm xã hội.

    Trong bối cảnh hiện nay, khi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và áp lực chuyển đổi năng lượng đang trở thành những thách thức toàn cầu, các trường đại học không thể đứng ngoài. Chúng tôi xác định, nếu không xanh hóa giáo dục - khoa học - công nghệ, thì không thể đào tạo ra những thế hệ kỹ sư, nhà khoa học, nhà quản lý có đủ năng lực để giải quyết các vấn đề thời đại.

    Chiến lược “Đại học xanh” của Nhà trường được thiết kế theo 4 trụ cột chính như:

    Xanh trong chương trình đào tạo: Từ năm 2024, Trường đã tiến hành rà soát, tích hợp các nội dung về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, trung hòa carbon, quản trị tài nguyên và khí hậu vào các môn học cốt lõi. Một số ngành như Kỹ thuật môi trường, Quản lý đất đai, Kinh tế tài nguyên,… đã cập nhật giáo trình theo hướng tiếp cận hệ thống và đổi mới sáng tạo xanh.

    Xanh trong nghiên cứu và chuyển giao tri thức: Chúng tôi thúc đẩy mạnh mẽ các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng phục vụ cộng đồng - doanh nghiệp - chính quyền địa phương, như giám sát tài nguyên bằng cảm biến số, phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, quản lý rủi ro thiên tai vùng ven biển,… Đặc biệt, sinh viên được khuyến khích tham gia ngay từ năm đầu, từ những đề tài nhỏ, sát thực tiễn.

    Xanh trong cơ sở vật chất và vận hành: Tòa nhà chính của Trường đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời hòa lưới, hệ thống lọc nước tái sử dụng, phân loại rác tại nguồn và nhiều ứng dụng quản lý điện - nước - tài nguyên bằng công nghệ số. Chúng tôi hướng tới một “campus xanh - thông minh - tiết kiệm năng lượng”, nơi sinh viên không chỉ học kiến thức mà còn thực hành sống bền vững mỗi ngày.

    Xanh trong văn hóa và kết nối cộng đồng: Trường có nhiều chương trình “Trồng cây vì môi trường học đường”, “Sinh viên hành động vì không khí sạch”, “Mỗi sinh viên - một sáng kiến xanh”. Thông qua đó, hình thành văn hóa trách nhiệm môi trường, thái độ sống xanh, tiêu dùng xanh cho sinh viên.

    Từ năm 2025, chúng tôi bắt đầu triển khai Báo cáo phát triển bền vững định kỳ của Nhà trường, công khai minh bạch các kết quả và cam kết với xã hội - một bước đi nhằm đưa giáo dục phát triển bền vững thành trách nhiệm cốt lõi của đại học công lập.

    Về dài hạn, Trường đặt mục tiêu trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo xanh, khởi nghiệp xanh, dữ liệu tài nguyên khí hậu của khu vực phía Nam, nơi kết nối giữa tri thức học thuật với thực tiễn phát triển bền vững của các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng.

     

    Sinh viên Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh thực hành, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hiện đại.

     

    Phóng viên: Với vai trò là một trường đại học chuyên ngành tài nguyên, môi trường ở khu vực phía Nam, ông đánh giá như thế nào về cơ hội việc làm và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên?

    PGS.TS Huỳnh Quyền:

    Có thể nói, cơ hội việc làm trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường hiện nay rộng mở hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh cả Việt Nam và thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và thích ứng biến đổi khí hậu.

    Với vai trò là trường đại học công lập đầu ngành ở khu vực phía Nam chuyên sâu về tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, Nhà trường không chỉ đào tạo kiến thức chuyên môn mà còn định hướng sinh viên đi vào những lĩnh vực đang thực sự khát nhân lực, như: (1) Quản lý tài nguyên đất, nước, không khí và biển đảo - đây là những lĩnh vực liên quan mật thiết đến chiến lược an ninh tài nguyên và phát triển nông nghiệp, đô thị bền vững. (2) Giám sát môi trường, biến đổi khí hậu, đánh giá tác động môi trường - nhiều địa phương và doanh nghiệp đang cần đội ngũ kỹ sư, chuyên viên giỏi để đáp ứng yêu cầu pháp luật và tiêu chuẩn quốc tế. (3) Ứng dụng công nghệ không gian (GIS, viễn thám), trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong quy hoạch tài nguyên và quản lý môi trường - đang là xu hướng tất yếu. (4) Quản lý rủi ro thiên tai, kinh tế môi trường, quản trị bền vững - phục vụ trực tiếp các chương trình quốc gia về phát triển vùng ven biển, miền núi, Tây Nguyên…

    Chúng tôi cũng thấy rõ rằng, các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, logistics môi trường, tư vấn ESG đang cần nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có tư duy liên ngành. Vì vậy, từ năm 2023, Nhà trường đã bắt đầu xây dựng các chương trình đào tạo tích hợp kiến thức kỹ thuật, kinh tế, quản trị, giúp sinh viên có thể làm việc ở cả khu vực công, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức phi chính phủ và quốc tế.

    Một điểm khác biệt của Trường là gắn chặt đào tạo với thực tiễn và doanh nghiệp. Trường hiện có gần 150 đối tác liên kết, trong đó nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tư vấn môi trường, tài nguyên số, đô thị xanh, năng lượng sạch. Hằng năm, sinh viên được đi thực tập, kiến tập thực tế từ sớm, đồng thời có cơ hội tiếp cận với các dự án, đề tài nghiên cứu, tình huống thực tế từ năm học thứ 2, năm học thứ 3 - điều này giúp các em định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn và sớm có kỹ năng nghề nghiệp thực tế.

    Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực khởi nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, công nghệ môi trường. Nhiều dự án của sinh viên đã đạt giải cao trong các cuộc thi cấp quốc gia và bước đầu gọi được vốn từ các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.

    Sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh ra trường không chỉ có kiến thức, mà có cả năng lực nghề nghiệp thực tiễn, thái độ trách nhiệm môi trường và khả năng thích ứng cao với bối cảnh biến đổi không ngừng của thị trường lao động hiện đại.

     

     

    Hợp tác quốc tế là một trong những trụ cột chiến lược giúp Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh hội nhập, phát triển nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

     

    Phóng viên: Tầm nhìn đến năm 2030, Nhà trường đặt ra những mục tiêu chiến lược gì thưa ông?

    PGS.TS Huỳnh Quyền:

    Tầm nhìn đến năm 2030 của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh là: Trở thành trường đại học định hướng ứng dụng hàng đầu ở khu vực phía Nam trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, phát triển bền vững, đồng thời đóng vai trò trung tâm kết nối tri thức, công nghệ và con người phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển đất nước.

    Để hiện thực hóa tầm nhìn này, chúng tôi xác định một số mục tiêu chiến lược rõ ràng như:

    Chuẩn hóa và quốc tế hóa đào tạo, 100% chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng, trong đó có các chương trình hướng đến chuẩn quốc tế (AUN-QA, ABET). Mở mới các ngành đào tạo liên ngành gắn với các xu hướng lớn như: kinh tế xanh, công nghệ môi trường thông minh, quản trị tài nguyên số, kinh tế biển bền vững, quản lý khí hậu và phát triển vùng ven biển. Đẩy mạnh đào tạo song ngữ, học phần liên kết quốc tế, trao đổi sinh viên và giảng viên với các trường đại học ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

    Trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và nghiên cứu ứng dụng: Xây dựng và vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh và công nghệ tài nguyên môi trường, nơi kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp, địa phương trong nghiên cứu, chuyển giao tri thức và công nghệ. Ưu tiên các lĩnh vực nghiên cứu như: kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, công nghệ số trong giám sát môi trường, quản lý tài nguyên tổng hợp và thích ứng biến đổi khí hậu. Khuyến khích sinh viên, học viên cao học, giảng viên tham gia đề tài thực tiễn từ doanh nghiệp, địa phương và tổ chức quốc tế.

    Phát triển mô hình đại học xanh, thông minh: Hoàn thiện mô hình “Đại học xanh”, không chỉ về cơ sở vật chất thân thiện môi trường mà còn ở tư duy quản trị và vận hành. Nhà trường đặt mục tiêu trở thành một trong những trường công đầu tiên tại Việt Nam công bố Báo cáo phát triển bền vững hàng năm. Số hóa toàn bộ hệ thống quản trị, dịch vụ học đường, quản lý học tập theo hướng đại học thông minh, an toàn, hiệu quả.

    Triển khai nền tảng học tập kết hợp, ứng dụng AI và phân tích dữ liệu học tập để cá nhân hóa trải nghiệm học của sinh viên.

    Gắn kết cộng đồng và phụng sự xã hội: Tham gia tích cực vào các chương trình quốc gia, khu vực về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp xanh và ứng phó thiên tai. Đưa sinh viên về phục vụ cộng đồng thông qua mô hình “Trí thức trẻ tài nguyên - môi trường” với các chương trình tình nguyện, khảo sát thực địa, đề xuất chính sách ở các vùng khó khăn, ven biển, Tây Nguyên. Phát triển Trường như một “trạm trung chuyển tri thức xanh”, nơi người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương có thể tiếp cận các giải pháp khoa học và dịch vụ tư vấn.

    Xây dựng đội ngũ và văn hóa đại học hiện đại: Tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trẻ có năng lực hội nhập và nghiên cứu ứng dụng, phấn đấu đến 2030 đạt tỷ lệ tiến sĩ trên 50%. Thúc đẩy văn hóa đại học dựa trên giá trị trách nhiệm, đổi mới, cộng đồng, bền vững, hướng tới một môi trường học tập nhân văn, sáng tạo và khai phóng.

    Mục tiêu chiến lược đến năm 2030 của Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh không chỉ là xây dựng một ngôi trường hiện đại, mà còn là kiến tạo một hệ sinh thái giáo dục xanh, ứng dụng và phụng sự, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chuyển đổi xanh quốc gia và phát triển bền vững vùng phía Nam.

     

     

    Trụ sở mới khang trang của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh - không gian kiến tạo tri thức, nơi thế hệ trẻ gửi gắm niềm tin và khát vọng tương lai.

     

    Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của PGS.TS Huỳnh Quyền. Chúc Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh gặt hái nhiều thành công trong năm học mới và những bước phát triển sắp tới.

    Nguồn: Hồng Minh (thực hiện) - Báo Nông nghiệp&Môi trường

    http://nnmt.net.vn/mo-rong-canh-cua-dai-hoc-xanh-chien-luoc-tuyen-sinh-2025-va-tam-nhin-phat-trien-cua-truong-dai-hoc-tai-nguyen-va-moi-truong-tp-ho-chi-minh-cid129025.html?fbclid=IwY2xjawLQf8JleHRuA2FlbQIxMABicmlkETFyc0dwRzQxUmhJOWFWeFIzAR4q_Az-cfGm6j6O3V0XP7mLgZ4_ZjSwoVj2jaqY1YWldSuQe1MMT4N_mrG-jg_aem_k-3ho8KBAdCRMfoVyotsYg

    Bài viết liên quan
    Bài viết nổi bật