HỘI THẢO KHỞI ĐỘNG, THAM VẤN ĐỊA PHƯƠNG VÀ KHẢO SÁT THỰC TẾ
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở do hiện tượng thời tiết cực đoan trên nền tảng trí tuệ nhân tạo”
Căn cứ Quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2024 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt đề tài và Quyết định số 320/QĐ-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2024 về việc Điều chỉnh nội dung khoản 4 Điều 1 Quyết định số 117/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề tài đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tỉnh “Nghiên cứu xây dựng thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở do hiện tượng thời tiết cực đoan trên nền tảng trí tuệ nhân tạo” do Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM là cơ quan chủ trì và Tiến sĩ Cấn Thu Văn làm chủ nhiệm đề tài. Nhằm mục đích giới thiệu sơ lược về mục tiêu, nội dung và các sản phẩm của đề tài như đã cam kết với UBND tỉnh An Giang. Đồng thời mong muốn được lắng nghe những chia sẻ, thông tin thực tiễn và kỳ vọng của các nhà quản lý địa phương về công tác dự báo, cảnh báo sạt lở bờ sông thuộc tỉnh An Giang phục vụ mục tiêu giảm thiểu rủi ro thiên tai, sáng ngày 28/3/2024, tại Hội trường Nhà khách UBND tỉnh An Giang đã diễn ra “Hội thảo khởi động, tham vấn địa phương và khảo sát thực tế” thuộc đề tài “Nghiên cứu xây dựng thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở do hiện tượng thời tiết cực đoan trên nền tảng trí tuệ nhân tạo”.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS. Lê Hoàng Nghiêm - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM và sự tham gia của đại diện các cơ quan, ban ngành địa phương của tỉnh An Giang cùng toàn thể thành viên đề tài.
PGS.TS. Lê Hoàng Nghiêm - Hiệu trường Nhà trường phát biểu chủ trì Hội thảo
Trong các tỉnh ở ĐBSCL, đối với tỉnh An Giang, chỉ trong nửa năm 2023, số vụ sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn An Giang đã tăng gấp 3 lần năm 2022. Sạt lở trở thành nỗi ám ảnh của người dân, doanh nghiệp, cũng là nỗi lo, sự trăn trở của ngành chức năng và chính quyền các cấp. Cần giải pháp căn cơ để ứng phó lâu dài với sạt lở, trong đó phải thay đổi tập quán sống ven sông; quy hoạch hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng, chợ… xa bờ sông, kênh, rạch.
Vì vậy việc nghiên cứu xây dựng một hệ thống cảnh báo tự động, dự báo sớm nguy cơ sạt lở cho các bờ sông trong địa bàn tỉnh An Giang bằng việc sử dụng các công nghệ hiện đại nhằm góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai cho tỉnh An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung là rất cấp bách và thiết thực.
Với mục tiêu của hội thảo này là khởi động, gặp gỡ trao đổi và tham vấn ý kiến của các nhà quản lý địa phương (cấp Sở và huyện), các nhà khoa học và các cá nhân và đơn vị liên quan đến vấn đề sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang. Đây là cơ hội để cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài và các thành viên thực hiện trao đổi các thông tin sát thực với thực tế, các thông tin hữu ích giúp cho việc thực hiện đề tài có tính hiệu quả, thiết thực và giúp cho công tác quản lý, giảm thiểu rủi ro thiên tai sạt lở tại An Giang đáp ứng kỳ vọng của địa phương và kết quả mong muốn của đề tài.
Tại Hội thảo, Ông Lưu Văn Ninh - Giám đốc Đài KTTV tỉnh An Giang đã trình bày tham luận về hiện trạng sạt lở bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, nguyên nhân, cơ chế và các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông tại địa phương.
Ông Lưu Văn Ninh - Giám đốc Đài KTTV tỉnh An Giang trình bày tham luận
TS. Cấn Thu Văn - chủ nhiệm đề tài đã trình bày tham luận tổng quát về mục tiêu nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, các nội dung chính, sản phẩm dự kiến của đề tài và báo cáo khảo sát sơ bộ tại một số vị trí sạt lở bờ sông tỉnh An Giang.
TS. Cấn Thu Văn - chủ nhiệm đề tài trình bày tham luận
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, đóng góp của các cơ quan, ban ngành địa phương giúp cho việc thực hiện đề tài hiệu quả và gắn liền với thực tiễn.
Một số hình ảnh trong Hội thảo.
(Nguồn: TS. Cấn Thu Văn - Trưởng khoa KTTV & BĐKH)