Chuyển động cùng Nghị quyết số 57-NQ/TW: Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh định vị vai trò kiến tạo nguồn lực trí tuệ và công nghệ quốc gia
Chuyển động cùng Nghị quyết số 57-NQ/TW: Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh định vị vai trò kiến tạo nguồn lực trí tuệ và công nghệ quốc gia
Đồng hành cùng Nghị quyết số 57-NQ/TW, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh xác lập vị thế trường đại học xanh tiên phong, kiến tạo nguồn lực trí tuệ và công nghệ quốc gia, đồng thời mở rộng không gian tri thức phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập sâu rộng.

PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh trao chứng nhận hợp tác nghiên cứu với đối tác quốc tế, mở rộng không gian khoa học công nghệ và chia sẻ tri thức toàn cầu
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực nội sinh và sức cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời như một định hướng chiến lược mang tính đột phá về thể chế, đặt khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào vị trí trung tâm của tiến trình phát triển nhanh và bền vững.
Nghị quyết không chỉ khẳng định vai trò then chốt của nguồn lực tri thức, mà còn đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, ít phát thải, trong đó trường đại học được xem là mắt xích quan trọng để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Chuyển động trong dòng chảy đó, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh (HCMUNRE) xác định rõ trách nhiệm không chỉ là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, tài nguyên, môi trường mà còn là đầu mối kiến tạo tri thức, ươm tạo công nghệ, phát huy năng lực đổi mới trong từng người học và gắn kết với sự phát triển của địa phương, vùng và quốc gia.
Việc triển khai đồng bộ các định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW đã và đang được Nhà trường cụ thể hóa bằng các chương trình hành động thiết thực từ xây dựng đại học đổi mới sáng tạo, phát triển nghiên cứu ứng dụng phục vụ phát triển bền vững, đến thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động đào tạo, quản trị, phục vụ cộng đồng. Trong hành trình đó, HCMUNRE không chỉ thích ứng, mà chủ động định vị mình như một lực lượng tiên phong kiến tạo nguồn lực trí tuệ - công nghệ cho hiện tại và tương lai.

Thiết bị bay không người lái - bước tiến chuyển đổi số ngành đo đạc, bản đồ tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh
Thể chế hóa tư duy đổi mới, kiến tạo trong chiến lược phát triển Nhà trường
Việc thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào chiến lược phát triển của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh không chỉ là sự dịch chuyển về mặt tư tưởng, mà còn là hành động cụ thể trong tái cấu trúc mô hình tổ chức, hoàn thiện hệ thống chính sách nội bộ và kiến tạo nền tảng cho phát triển dài hạn.
Dựa theo Quyết định số 503/QĐ-BNNMT, ngày 07/3/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội, Ban Giám hiệu Nhà trường đã ban hành Quyết định số: 163/QĐ-TĐHTPHCM, ngày 14/4/2025 về kế hoạch hành động dựa trên chức năng nhiệm vụ được giao của Nhà trường, trong đó tập trung theo hướng chuyển đổi mô hình phát triển Nhà trường theo hướng “đại học đổi mới sáng tạo, định hướng ứng dụng và phục vụ cộng đồng”, trong đó xác định rõ ba trụ cột chiến lược: (1) Đột phá trong quản trị đại học số, (2) Tích hợp đổi mới sáng tạo vào đào tạo và nghiên cứu, (3) Tăng cường năng lực liên kết - kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Theo đó, về tổ chức bộ máy, Nhà trường đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, với thành phần gồm lãnh đạo Nhà trường, chuyên gia công nghệ, đại diện doanh nghiệp, đoàn thể sinh viên. Đồng thời, các đơn vị chuyên môn được tái cấu trúc theo mô hình hướng tới sản phẩm đầu ra, khuyến khích tinh thần tự chủ, sáng tạo và trách nhiệm giải trình.
Về quy hoạch chiến lược, Nhà trường đang hoàn tất việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ Chiến lược giai đoạn 2020-2025 và xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển HCMUNRE giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn 2045, lấy đổi mới sáng tạo làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt, đồng thời tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), chuyển đổi xanh và chuyển đổi số vào trong mọi lĩnh vực hoạt động.
Về cơ chế nội bộ, Nhà trường đã sửa đổi, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế khen thưởng nghiên cứu khoa học, Quy chế khởi nghiệp sinh viên theo hướng thúc đẩy sáng tạo, khuyến khích sản phẩm có tính ứng dụng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm nghiên cứu, nhóm sinh viên khởi nghiệp tiếp cận nguồn lực hỗ trợ.
Về văn hóa tổ chức, Nhà trường thúc đẩy xây dựng văn hóa “mở” - mở tư duy, mở hợp tác, mở dữ liệu nhằm khơi thông các rào cản truyền thống, chuyển từ cách làm hành chính sang cách làm sáng tạo. Mỗi cán bộ, giảng viên được khuyến khích trở thành một “tác nhân đổi mới” trong chính lĩnh vực mình phụ trách, từ cải tiến giáo trình, phương pháp giảng dạy, đến thiết kế hoạt động ngoại khóa, dự án cộng đồng.
Về nhân lực, HCMUNRE đã đặt mục tiêu đến năm 2027, 100% giảng viên cơ hữu được bồi dưỡng kỹ năng số, kỹ năng thiết kế đổi mới sáng tạo trong giảng dạy. Nhà trường đồng thời triển khai cơ chế tuyển dụng, mời gọi chuyên gia trẻ, trí thức Việt Nam ở nước ngoài tham gia các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu và cố vấn học thuật.
Tất cả những chuyển động trên cho thấy, tư duy đổi mới sáng tạo không còn là một khẩu hiệu hay định hướng chung, mà đã được Nhà trường cụ thể hóa thành một hệ thống thể chế nội tại, liên tục tự cải tiến, gắn kết chặt chẽ với các yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, đồng thời phù hợp với bối cảnh chuyển động mạnh mẽ của giáo dục đại học toàn cầu.

Không gian nghiên cứu hiện đại – bệ phóng cho sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh chinh phục tri thức, làm chủ công nghệ
Khoa học và công nghệ gắn liền với sứ mệnh phụng sự phát triển bền vững
Nghị quyết số 57-NQ/TW đã xác định rõ: phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Với định hướng đó, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh xác định sứ mệnh cốt lõi của Nhà trường không chỉ dừng lại ở việc truyền bá tri thức, mà quan trọng hơn là phải kiến tạo tri thức có ích - tri thức gắn với thực tiễn, phục vụ cộng đồng, phục vụ con người và hệ sinh thái.
Trên nền tảng chuyên ngành sâu về tài nguyên thiên nhiên, môi trường, khí tượng, thủy văn, biến đổi khí hậu, HCMUNRE tập trung thúc đẩy các hướng nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, liên ngành, gắn với bài toán thực tiễn của địa phương và quốc gia. Việc phát triển khoa học và công nghệ tại Trường được định hướng bởi 3 nguyên lý lớn: (1)Tính thực tiễn - hướng vào giải quyết vấn đề cụ thể của cộng đồng. (2) Tính liên ngành tích hợp công nghệ, dữ liệu và tri thức bản địa. (3) Tính chuyển giao, gắn kết chặt với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và địa phương
Cụ thể, nhiều đề tài, dự án do giảng viên, nhà khoa học của Trường chủ trì đang có tác động thiết thực như:
Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và thích ứng, các nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Khí tượng - Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp cùng các tỉnh ven biển triển khai các mô hình cảnh báo sớm xâm nhập mặn, đánh giá tác động của nước biển dâng và đề xuất giải pháp quy hoạch vùng trũng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng thích nghi. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre sử dụng trong xây dựng kế hoạch hành động thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030.
Trong bảo vệ tài nguyên nước và quản lý môi trường đô thị, các đề tài về quan trắc chất lượng nước tự động, hệ thống cảnh báo ô nhiễm không khí theo thời gian thực, phân tích vi nhựa trong nước mặt và nước ngầm,... đang góp phần tạo ra công cụ giám sát tài nguyên - môi trường tiên tiến, phục vụ công tác quản lý của Sở TN&MT các tỉnh, đặc biệt là các đô thị đang phát triển nhanh như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.
Trong phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nhiều nghiên cứu về tái chế chất thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ, sử dụng vi tảo trong xử lý nước thải và giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa đang được triển khai tại Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh,… giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế và cải thiện chất lượng môi trường đất, nước.
Trong lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số hóa, HCMUNRE đang phối hợp với các địa phương xây dựng bản đồ nền địa chất, bản đồ sử dụng đất bằng GIS, số hóa dữ liệu khí tượng lịch sử và tích hợp vào hệ thống dự báo thiên tai, phục vụ công tác quy hoạch không gian và phát triển bền vững vùng.
Song song với hoạt động nghiên cứu, Nhà trường cũng chú trọng xây dựng mô hình gắn kết "4 nhà": nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp - nhà nông/dân cư. Các kết quả khoa học không chỉ dừng lại trên giấy, mà được chuyển giao dưới dạng: sổ tay kỹ thuật, hội thảo phổ biến kiến thức, hợp tác thí điểm mô hình trình diễn tại địa phương hoặc doanh nghiệp.
Đặc biệt, Nhà trường đang phát triển nền tảng dữ liệu mở về tài nguyên và môi trường phục vụ công chúng, đồng thời khuyến khích sinh viên và cộng đồng cùng tham gia cập nhật, khai thác dữ liệu, góp phần xây dựng xã hội tri thức - công dân số trong lĩnh vực môi trường.
HCMUNRE xác định rằng: Chỉ khi khoa học và công nghệ gắn chặt với các mục tiêu phát triển bền vững, giảm nghèo, bảo vệ hệ sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo công bằng môi trường thì mới thực sự có ý nghĩa xã hội và giá trị nhân văn.
Nhà trường cam kết tiếp tục phát triển các trung tâm nghiên cứu liên ngành, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đồng thời gắn bó với cộng đồng địa phương để cùng kiến tạo những giải pháp khoa học thực tiễn, có tầm nhìn dài hạn và nhân văn sâu sắc.

Khám phá, sáng tạo và làm chủ công nghệ – hãy cùng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh vun đắp tri thức xanh cho tương lai bền vững!
Khoa học và công nghệ gắn liền với sứ mệnh phụng sự phát triển bền vững
Tư duy phát triển bền vững trong thời đại mới không chỉ dừng lại ở cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, tiến bộ xã hội, mà còn đòi hỏi sự dịch chuyển từ phát triển dựa vào khai thác tài nguyên sang phát triển dựa vào tri thức, đổi mới và công nghệ xanh. Trong tiến trình này, khoa học và công nghệ không còn là “hậu cần” phục vụ sản xuất, mà phải trở thành “ngọn đuốc dẫn đường” cho chiến lược phát triển địa phương, vùng và quốc gia.
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh xác định rõ rằng: sứ mệnh của nhà trường trong kỷ nguyên mới là hội tụ và lan tỏa tri thức phục vụ sự phát triển có trách nhiệm với con người, với thiên nhiên, và với thế hệ tương lai.
Kết hợp “công nghệ cứng” và “công nghệ mềm”: HCMUNRE không chỉ tập trung phát triển các công nghệ môi trường, công nghệ địa không gian, mô hình số dự báo khí hậu…, mà còn quan tâm đến “công nghệ mềm” như: đổi mới mô hình cộng đồng thích ứng biến đổi khí hậu, thúc đẩy hành vi tiêu dùng xanh, giáo dục lối sống sinh thái trong học đường. Những công trình nghiên cứu hành vi tiêu dùng bền vững, các đề tài về văn hóa môi trường đô thị, hệ giá trị đạo đức sinh thái,… đang tạo ra nền tảng khoa học xã hội cho chính sách phát triển bền vững.
Gắn khoa học với công bằng môi trường và an sinh khí hậu: Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh không thể tách rời khỏi câu chuyện công bằng môi trường. Nhà trường đã triển khai các nghiên cứu đánh giá rủi ro khí hậu đối với người nghèo đô thị, người dân sống ven sông, vùng đất yếu, từ đó đề xuất chính sách bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương trong quy hoạch phát triển đô thị bền vững, quản lý tài nguyên rủi ro thiên tai và thích ứng sinh kế.
Năm 2024, nhóm nghiên cứu của Khoa Kinh tế tài nguyên và môi trường thực hiện đề tài “Mức độ dễ bị tổn thương môi trường của lao động nữ nhập cư tại TP. Thủ Đức trong điều kiện thời tiết cực đoan” - kết quả không chỉ được trình bày tại hội thảo quốc gia mà còn góp phần điều chỉnh quy hoạch nhà ở xã hội trong khu vực.
Phát triển khoa học gắn với mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia và toàn cầu: Khoa học không đứng một mình. Nhà trường đã tích cực gia nhập và phát huy vai trò trong các mạng lưới học thuật, khoa học quốc tế, trong đó có: Mạng lưới Đại học vì Phát triển bền vững Đông Nam Á (AUN-SDGs), Thành viên của Liên minh các Cơ Quan Nghiên cứu Đồng bằng Sông Cửu Long do Ngân hàng Thế Giới và Quỹ Môi trường Toàn cầu (WB-GEF) tài trợ; tiếp cận các dự án hợp tác nghiên cứu do Quỹ Newton (UKRI), JICA (Nhật Bản), KOICA (Hàn Quốc); đang triển khai chương trình hợp tác Quốc tế với các trường đại học như University of Southern Queenland, University of Sydney- Australia (Úc) về hoạt động đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực Nông nghiệp thông minh, bảo vệ Môi trường, Biến đổi khí hậu, Mô hình Giao thông TOD…; Đại học Pavia (IUSS Pavia), Italia (Ý) về ứng dụng Địa không gian trong đánh giá biến động Khu sinh quyển Cần Giờ, khu Nam Cát Tiên và ĐBSCL thích nghi với biến đổi khí hậu, hợp tác đào tạo Tiến sỹ trong lĩnh vực Địa không gian…; chương trình hợp tác với Phòng thí nghiệm JPL-NASA và phân ban NASA về khoa học Trái đất về nghiên cứu sự biến động của lớp phủ bề mặt vùng Đông Dương và lưu vực sông Mê Kông để có những giải pháp thích ứng với những tai biến thiên nhiên, thiên tai lũ lụt phục vụ phát triển bền vững của Việt Nam Lào và Campuchia…..
Thông qua các mạng lưới này, Nhà trường không chỉ đưa tri thức Việt ra thế giới, mà còn đưa thế giới vào quá trình phát triển địa phương. Đây cũng là cách để đảm bảo rằng khoa học không “đóng khung” trong biên giới quốc gia, mà cùng chia sẻ trách nhiệm toàn cầu về môi trường, khí hậu và tương lai chung.
Truyền cảm hứng nghiên cứu và sáng tạo bền vững trong sinh viên: Một điểm nổi bật trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ của HCMUNRE là xây dựng tư duy “khoa học vì cộng đồng” cho sinh viên ngay từ giảng đường. Các đồ án, khóa luận tốt nghiệp của sinh viên được khuyến khích gắn với địa bàn thực tế, cộng đồng yếu thế, hoặc các thách thức phát triển địa phương như: Thiết kế hệ thống thu gom rác nổi tại kênh rạch; thiết kế sân chơi sinh thái trong khu dân cư; phân tích tác động nhiệt đô thị đến sức khỏe người già…
Từ năm 2025, Nhà trường thí điểm đưa nội dung “Phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội” vào chương trình đại cương như một học phần bắt buộc góp phần hình thành lớp sinh viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn giàu trách nhiệm với xã hội và thiên nhiên.
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh xác định rõ, để phụng sự phát triển bền vững, khoa học phải đi trước một bước, công nghệ phải song hành với thực tiễn và tri thức phải chạm được vào cuộc sống của cộng đồng. Trong dòng chảy thực thi Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nhà trường không chỉ hướng tới hình mẫu đại học nghiên cứu sáng tạo, mà xa hơn là hình mẫu đại học công dân đại học kiến tạo vì sự thịnh vượng dài lâu của đất nước.

Thực hành nghiên cứu - bước đệm cho đổi mới sáng tạo của sinh viên Đại học TTN&MT TP. Hồ Chí Minh.
Sinh viên là chủ thể của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Chuyển đổi số không thể thành công nếu chỉ diễn ra trong bộ máy quản lý hay hạ tầng công nghệ mà phải bắt đầu từ sự chuyển hóa sâu sắc trong tư duy, năng lực và hành động của người học. Nhận thức được điều này, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh xác định rõ: sinh viên không chỉ là người tiếp nhận tri thức, mà chính là hạt nhân sáng tạo lực lượng kiến tạo trung tâm của tiến trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học.
Từ năm 2023 đến nay, HCMUNRE triển khai một loạt chính sách, chương trình và không gian học tập mới nhằm phát huy tối đa vai trò chủ động, sáng tạo của sinh viên trong môi trường số và đổi mới học thuật.
Hạ tầng công nghệ giáo dục của Nhà trường được nâng cấp đồng bộ, giúp sinh viên học mọi lúc, mọi nơi trên mọi thiết bị. Với hệ thống LMS (Learning Management System), thư viện số, học liệu điện tử, lớp học trực tuyến mô phỏng, sinh viên HCMUNRE được trao quyền tự chủ trong việc lựa chọn cách học phù hợp với năng lực, tiến độ và sở thích cá nhân.
Nhà trường từng bước chuyển từ phương pháp “dạy - chép” sang phương pháp “gợi mở - kiến tạo”, trong đó giảng viên đóng vai trò là người đồng hành, dẫn dắt tư duy, còn sinh viên là người khám phá, kết nối và sáng tạo tri thức mới.
Một điểm nhấn nổi bật là việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong sinh viên thông qua các mô hình như: (1) Không gian sáng tạo sinh viên (Student Innovation Hub) - nơi tích hợp các phòng Lab công nghệ, khu làm việc nhóm, góc trải nghiệm thực tế ảo, mô hình khí hậu, GIS 3D…(2) Câu lạc bộ Khởi nghiệp xanh, CLB Công nghệ môi trường, CLB Dữ liệu khí tượng số là nơi các nhóm sinh viên nghiên cứu, thử nghiệm và hiện thực hóa các giải pháp sáng tạo gắn với ngành học. (3) Các cuộc thi chuyên đề như: “Hành trình số hóa tài nguyên môi trường”, “Ý tưởng xanh vì ĐBSCL”, “Thử thách AI trong phòng chống thiên tai”, thu hút hàng trăm sinh viên tham gia và nhiều ý tưởng được các doanh nghiệp khởi nghiệp nhận cố vấn phát triển thành sản phẩm thực tế.
Năm 2024, đề án “Cảm biến IoT giám sát nước mưa và nước thải đô thị” của sinh viên Khoa Kỹ thuật Môi trường đã đoạt giải Nhất cấp trường và giải Khuyến khích cấp quốc gia Cuộc thi Sinh viên với Chuyển đổi số.
HCMUNRE khuyến khích sinh viên đổi mới không chỉ vì công nghệ, mà đổi mới để phục vụ cộng đồng theo đúng tinh thần “đổi mới sáng tạo vì phát triển bền vững”. Các đề án khởi nghiệp sinh viên không chạy theo thị trường ngắn hạn, mà hướng đến các bài toán thực tiễn như: Tái chế rác thải hữu cơ từ nhà trọ sinh viên thành phân compost; Sản phẩm lọc nước giá rẻ dùng trong vùng thiên tai; Ứng dụng dự báo thời tiết cực đoan phục vụ nông dân canh tác thông minh.
Thông qua các chương trình như “Sinh viên HCMUNRE với khởi nghiệp vì môi trường”, Nhà trường đã định hình một thế hệ sinh viên vừa có kiến thức chuyên ngành, vừa có tư duy kinh doanh xã hội trở thành lực lượng nòng cốt thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong tương lai.
Để đáp ứng yêu cầu nhân lực trong kỷ nguyên AI, Nhà trường đã triển khai các chương trình tăng cường năng lực số toàn diện cho sinh viên, gồm: Các học phần về khoa học dữ liệu, công nghệ GIS, cảm biến môi trường, an toàn thông tin; Chuỗi workshop về AI, ChatGPT trong nghiên cứu khoa học, kỹ năng trình bày số, xử lý dữ liệu không gian bằng Python…Các chứng chỉ số tích hợp - giúp sinh viên tốt nghiệp có thể thích ứng nhanh với thị trường lao động quốc tế.
Từ năm 2025, HCMUNRE đặt mục tiêu: 100% sinh viên được đánh giá năng lực số đầu ra, 50% sinh viên tham gia ít nhất một hoạt động đổi mới sáng tạo và 10% có sản phẩm nghiên cứu hoặc khởi nghiệp đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Với HCMUNRE, sinh viên không chỉ là sản phẩm đầu ra, mà là tác nhân của thay đổi. Đào tạo sinh viên không chỉ để họ “tốt nghiệp” mà để họ trở thành người dẫn dắt tương lai, có tư duy đổi mới, có năng lực số, có trách nhiệm xã hội và sẵn sàng kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng. Đó cũng chính là cách Nhà trường hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt con người làm trung tâm, đặt đổi mới sáng tạo làm động lực, đặt tri thức làm hành trang tiến vào tương lai.

Trụ sở chính của Ngôi trường mới đã hoàn thành – khởi nguồn tương lai xanh, tri thức xanh
HCMUNRE - Đồng kiến tạo tương lai bằng tri thức Việt, vì Việt Nam bền vững
HCMUNRE không đi sau thời đại, cũng không chạy theo thời thượng. Nhà trường bước vào kỷ nguyên đổi mới sáng tạo với một tâm thế vững vàng: lấy giá trị tri thức làm gốc, lấy năng lực hành động làm nền, lấy trách nhiệm cộng đồng làm mục tiêu.
Đi đầu trong kiến tạo tri thức không phải là tuyên ngôn, mà là một hành trình kiên định nơi mà mỗi đề tài nghiên cứu, mỗi ý tưởng khởi nghiệp, mỗi bài giảng và mỗi sinh viên đều là một phần của bức tranh lớn: Việt Nam tự cường bằng khoa học, phát triển bằng sáng tạo, vững bước bằng tri thức.
Nếu xem chuyển đổi số là quá trình tái cấu trúc toàn diện mọi mặt hoạt động của một tổ chức thì trong giáo dục đại học, tâm điểm của sự tái cấu trúc ấy chính là người học. Bởi không một công nghệ nào, không một mô hình đào tạo nào có thể thành công nếu không đánh thức được tinh thần chủ động, tư duy phản biện và khát vọng đổi mới trong từng sinh viên. Đó là lý do Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh xác định: Mọi đổi mới phải bắt đầu từ người học - Mọi chuyển đổi phải khơi nguồn từ tư duy.
Chuyển đổi số trong giáo dục không đơn thuần là số hóa tài liệu hay xây hệ thống quản lý trực tuyến. Chuyển đổi quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy từ học thụ động sang học chủ động, từ học thuộc sang học để hiểu để làm, để sống để cống hiến. HCMUNRE hướng đến hình thành trong sinh viên một hệ tư duy tích cực, đa chiều, bền vững: Tư duy số, khai thác công nghệ để học tập, nghiên cứu, kết nối và giải quyết vấn đề. Tư duy phản biện, biết đặt câu hỏi, biết nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ. Tư duy đổi mới, dám nghĩ khác, dám thử sai, dám bắt đầu lại. Tư duy vì cộng đồng, không học để có điểm số, mà học để có giá trị thực tiễn với xã hội.
HCMUNRE thúc đẩy mô hình giáo dục chuyển từ giảng đường một chiều sang không gian học tập tích cực, linh hoạt, cá thể hóa. Người học được trao quyền: Thiết kế lộ trình học tập cá nhân với các tổ hợp môn tích hợp kỹ năng số, tư duy hệ thống, đổi mới sáng tạo. Lựa chọn các dự án học tập thực tế thay thế kiểm tra lý thuyết, tạo ra các sản phẩm, mô hình hoặc giải pháp cho cộng đồng. Được khuyến khích nêu sáng kiến, phản biện và đề xuất cải tiến trong chính môi trường học thuật, góp phần kiến tạo văn hóa học đường đổi mới từ bên trong. Sinh viên không chỉ học kiến thức, mà học cách kiến tạo giá trị từ tri thức.
Một mục tiêu quan trọng mà HCMUNRE theo đuổi là: đào tạo những con người có khả năng tự học, tự thích ứng, tự đổi mới trong suốt cuộc đời. Đây cũng là tiêu chí cốt lõi của nguồn nhân lực thời đại số khi kiến thức không còn nằm ở giảng viên, giáo trình mà luôn vận động ngoài tầm lớp học.
Từ năm 2025, Nhà trường áp dụng hệ thống đánh giá năng lực học tập tự thân trong một số học phần, đồng thời mở rộng kho học liệu mở, nền tảng học tập tương tác cho phép sinh viên tích lũy điểm kỹ năng, chứng chỉ số bên ngoài hệ thống chính quy, góp phần tạo nên hồ sơ học tập toàn diện, linh hoạt, phản ánh đúng năng lực đổi mới của từng cá nhân.
Đổi mới không chỉ là hành vi, mà còn là cảm hứng. HCMUNRE xây dựng một môi trường học tập nơi người học cảm thấy được tôn trọng, được khích lệ, được khơi mở và được trao quyền sáng tạo. Không gian làm việc nhóm, phòng lab mở, dự án cộng đồng, các nhóm nghiên cứu sinh viên, các diễn đàn học thuật đa chiều,… chính là những “hạt mầm đổi mới” được vun trồng hằng ngày.
Quan trọng hơn cả, Nhà trường không áp đặt khuôn mẫu, mà khuyến khích sự đa dạng trong cách nghĩ, cách học, cách tiếp cận vấn đề. Đó là cách để mỗi người học tìm được bản sắc riêng, phát triển theo năng lực riêng nhưng cùng hội tụ vào mục tiêu chung: trở thành công dân tri thức có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và hành tinh.
"Trong hành trình thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh xác định: đầu tư vào tư duy người học hôm nay chính là đầu tư vào tương lai đất nước ngày mai. Đổi mới sáng tạo không bắt đầu từ chính sách, mà từ từng sinh viên dám đặt câu hỏi, dám bước ra khỏi vùng an toàn và dám kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn. Và vì thế, HCMUNRE không chỉ là nơi trao tri thức mà là nơi khơi dậy khát vọng đổi mới trong từng con người học tập tại đây." - PGS.TS Huỳnh Quyền (Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh)
Nguồn: Báo Nông nghiệp và Môi trường
http://nnmt.net.vn/chuyen-dong-cung-nghi-quyet-so-57-nq-tw-dai-hoc-tai-nguyen-va-moi-truong-tp-ho-chi-minh-dinh-vi-vai-tro-kien-tao-nguon-luc-tri-tue-va-cong-nghe-quoc-gia-cid129037.html