Cấp thoát nước thông minh và bền vững

Cấp thoát nước thông minh và bền vững
Ngày đăng: 15/06/2023 11:22:01:AM | 179
 Mục lục bài viết

    Thực tế cho thấy tại Việt Nam hiện nay dân số ngày càng tăng, quá trình đô thị hóa tăng nhanh, kinh tế phát triển làm gia tăng nhu cầu về dịch vụ chất lượng cao, nhiều công nghệ mới được ứng dụng… dẫn tới nhu cầu nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực Cấp thoát nước ngày càng tăng, đặc biệt nhân lực trong lĩnh vực vận hành, bảo dưỡng.

    Mới đây, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã tổ chức hội thảo với chủ đề Ngành kỹ thuật Cấp thoát nước - Từ đào tạo tới thực tiễn. Tại hội thảo, các đại biểu đã có những chia sẻ kinh nghiệm về cơ hội và thách thức của ngành Cấp thoát nước.

    Nước có vai trò không thể thiếu cho cuộc sống của con người và các sinh vật khác trên trái đất. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây biến đổi khí hậu, phát triển đô thị chưa đồng bộ, nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng cao… đã và đang là thách thức cũng như cơ hội để ngành Cấp thoát nước tự hoàn thiện và phát triển, hướng tới xây dựng hệ thống cấp thoát nước thông minh và bền vững.

    Cấp thoát nước trong phát triển bền vững

    Luật Cấp, Thoát nước đang được Bộ Tài nguyên & Môi trường xây dựng cùng các cơ quan liên quan gấp rút chuẩn bị để trình Quốc hội ban hành, dự kiến vào năm 2025. Như vậy đủ để cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực Cấp thoát nước khi được “nâng cấp” thành một ngành kinh tế, phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước.

    Nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực Cấp thoát nước rất cao. Nước sạch là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu đối với sinh hoạt và sản xuất. Xu hướng phát triển bền vững đang đặt ra yêu cầu về tiết kiệm nước và tái sử dụng nước.

    Theo PGS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (HCMUNRE), trong thời kỳ đổi mới đất nước ta đã đạt được những thành tự to lớn trong sự phát triển kinh tế, tuy nhiên chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, ngập lụt, khan hiếm nguồn nước… Hầu như các vấn đề tồn tại của lĩnh vực Cấp thoát nước đều nằm trong danh mục những câu hỏi nóng của cử tri và Hội đồng nhân dân trong các kỳ họp định kỳ.

     

    10 năm tới, thị trường lao động cần 20.000 kỹ sư Cấp thoát nước

    Theo ông Quách Việt Dũng - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Cửu Long, với đặc thù đào tạo, kỹ sư ngành Cấp thoát nước có thể làm việc trong lĩnh vực Hạ tầng kỹ thuật cũng như lĩnh vực Cơ điện công trình, do đó nhu cầu nhân lực ngành Cấp thoát nước hiện tại rất lớn. Dựa trên những thông tin có được, ông Dũng dự báo “khoảng 10 năm tới, thị trường lao động cần bổ sung thêm khoảng 20.000 kỹ sư Cấp thoát nước” để phục vụ cho sự phát triển kinh tế và đô thị.

    Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường tác động trực tiếp đến biến đổi khí hậu (BĐKH). Ô nhiễm toàn cầu làm khí hậu trái đất tăng lên, băng tan, mực nước biển dâng lên khiến Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập mặn. Hay hạn hán ở Tây Nguyên do liên quan đến vấn đề quản lý và khai thác nguồn nước.

    Theo PGS.TS. Huỳnh Quyền, nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực Cấp thoát nước rất cao. Nước sạch là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu đối với sinh hoạt và sản xuất. Xu hướng phát triển bền vững đang đặt ra yêu cầu về tiết kiệm nước và tái sử dụng nước. Ví dụ nước thải cũng là nguồn tài nguyên và làm sao xử lý nước thải để làm ra nhiều sản phẩm hơn theo nền kinh tế tuần hoàn, có thể sử dụng nước thải và bùn thải để tạo ra những sản phẩm có thể tái sử dụng và nguồn năng lượng tái tạo.

    Khoảng 10 năm tới, thị trường lao động cần bổ sung thêm khoảng 20.000 kỹ sư Cấp thoát nước để phục vụ cho sự phát triển kinh tế và đô thị.

    Chính vì vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, quản lý tài nguyên, cấp thoát nước đảm bảo môi trường xanh, sạch cho phát triển bền vững và cùng thế giới ứng phó với các vấn đề BĐKH trên toàn cầu là nhu cầu tất yếu.

    Luật Cấp thoát nước khẳng định mình trong Cách mạng 4.0

    GS.TS Nguyễn Việt Anh, Phó chủ tịch Hội Cấp thoát Nước Việt Nam, chia sẻ: “Các đô thị lớn sản xuất khoảng 12 triệu m3 nước/ngày. Các hệ thống cấp nước hiện đang hoạt động với tổng công suất khoảng 85%. Việt Nam hiện có khoảng 800 hệ thống cấp nước khác nhau. Ngành nước hoạt động ngày càng hiệu quả; hiện tại ở các đô thị, chỉ số thất thoát nước chỉ khoảng trên dưới 17%, so với trước kia là 30% - 40%. Cấp nước nông thôn có khoảng 17.000 hệ thống cấp nước tập trung, cấp nước cho gần 30 triệu lượt dân với 16 triệu m3/ngày. Ngoài ra, chúng ta còn cung cấp 1 triệu m3 nước/ngày cho các khu công nghiệp trên khắp đất nước”.

    Ngành Cấp thoát nước Việt Nam hướng tới xây dựng hệ thống cấp thoát nước thông minh và bền vững.

    Theo GS.TS Nguyễn Việt Anh, trong khoảng 20 năm vừa qua, chúng ta đã đầu tư khoảng 3 tỷ USD cho lĩnh vực Cấp thoát Nước. Thị trường của ngành nước còn rất rộng lớn và nhiều cơ hội việc làm và phát triển để bao phủ 100% dân số đô thị được cấp nước, công nghệ xử lý nước thải công nghiệp, giảm thất thoát xuống thêm 2 - 3%…

    “Nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, cả về số lượng lẫn chất lượng, với các quy chuẩn ngày càng chặt chẽ. Lĩnh vực Cấp thoát nước đang dần được nâng tầm thành ngành kinh tế quan trọng khi Luật Cấp thoát nước được ban hành. Hiện nay lĩnh vực Cấp thoát nước đang đứng trước cơ hội rất lớn để khẳng định mình và lĩnh hội những thành tự của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”, GS.TS Việt Anh khẳng định.

    Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hà, Trưởng khoa Khoa Môi trường, kỹ sư Cấp thoát nước là những người tiên phong trong việc tiếp cận các công nghệ bậc cao ở các cấp độ ứng dụng vận hành, thiết kế quy trình và nghiên cứu hướng mới nhằm xây dựng và phát triển hệ thống cấp thoát nước bền vững, đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và thích hứng với biến đổi khí hậu.

    Trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam rất nhiều các ứng dụng của cuộc CMCN 4.0 đã và đang được áp dụng vào ngành CTN. Trong tương lai, nước 4.0 là xu hướng tất yếu bao gồm cho cả cấp thoát nước, lọc nước và xử lý nước thải. Rất nhiều những công việc lặp lại hoặc xử lý dữ liệu với khối lượng lớn sẽ được thực hiện thông qua việc áp dụng trí tuệ nhân tạo AI và Robot…

     

     

    Chất lượng nước ngày càng suy giảm, nguyên nhân do đâu?

    Theo GS.TS Nguyễn Việt Anh, Phó chủ tịch Hội Cấp thoát Nước Việt Nam, chúng ta đang đối diện các chất ô nhiễm ngày càng tăng và đa dạng. Nhiều chất ô nhiễm khi đi qua hệ thống xử lý nước thải hiện hành không được xử lý hoặc loại bỏ một cách toàn diện như các chất hữu cơ bền vững…

    Chúng ta còn phải đối diện với những thách thức liên quan đến tài nguyên, sử dụng hiệu quả năng lượng, đất đai, nguồn vốn cũng như giải quyết các vấn đề xử lý nước cấp và tái sử dụng nước… Mạng lưới cấp nước hiện có khoảng 25.000km đường ống, cả nước ống cũ và đường ống mới, dẫn đến chất lượng nước cũng có phần khác nhau.

    Chính vì vậy, chúng ta cần thay đổi về mặt công nghệ, nâng cấp cải tạo hệ thống cấp nước và nguồn nhân lực chất lượng cao để xây dựng một hệ thống cấp thoát nước bền vững và thông minh.

    Bài viết liên quan
    Bài viết nổi bật