BÀI THU HOẠCH CHUYẾN CÔNG TÁC CẦN GIỜ (3/2018)

BÀI THU HOẠCH CHUYẾN CÔNG TÁC CẦN GIỜ (3/2018)
Ngày đăng: 06/04/2018 00:00:00:AM | 250
 Mục lục bài viết

    KHẢO SÁT THỰC TẾ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI TẠI THỊ TRẤN CẦN THẠNH, HUYỆN CẦN GIỜ THÁNG 3/2018

    Dựa theo nhu cầu cần tìm hiểu một số thông tin thực tế của các cán bộ giảng viên về vấn đề quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái tại một số vùng thuộc diện tiềm năng phát triển kinh tế du lịch; căn cứ theo kế hoạch tổ chức hội thảo nghiên cứu khoa học do khoa chủ trì tổ chức trong tháng 10 năm nay; ngày 21 tháng 3 vừa qua, được sự cho phép và hỗ trợ từ phía Ban Lãnh đạo Nhà trường, Khoa Kinh tế TNMT đã tiến hành một chuyến khảo sát thực tế tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Qua chuyến đi thực tế này, một số vấn đề được đúc kết như sau:

    1. Tình hình phát triển kinh tế - du lịch chung tại huyện Cần Giờ:

    Cần Giờ là một huyện ven biển nằm ở phía Đông Nam của Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 50km; gồm 1 thị trấn Cần Thạnh và 6 xã: An Thới Đông, Bình Khánh, Long Hòa, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp và Thạnh An. Nhìn chung, nơi đây có nhiều tiềm năng cho việc phát triển du lịch nhờ vào hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học và còn thuần tự nhiên, đồng thời nơi đây cũng là huyện biển duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh với đường bờ biển kéo dài 23km.

    Theo chỉ đạo chung của Ủy ban Thành phố trong thời gian tới, định hướng phát triển Cần Giờ trở thành Đô Thị Du Lịch Biển, tiếp tục là lá phổi xanh của Thành phố. Điển hình nhìn thấy rõ nét nhất là dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đang được triển khai và sẽ sớm được hoàn thành trong thời gian tới; bên cạnh đó là dự án cải tạo lại khu lấn biển với sự đầu tư từ tập đoàn VinGroup nhằm khắc phục các hạn chế các vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra hiện nay.

    Tuy nhiên cần nhận định rõ là tình hình phát triển kinh tế cũng như du lịch hiện nay ở huyện Cần Giờ vẫn còn chưa thực sự mạnh mẽ và đồng bộ. Hạ tầng giao thông tại đây dù đã được Thành phố đầu tư nâng cấp và sửa chữa, giao thông đã có sự thuận tiện hơn trước khi có sự xuất hiện hệ thống các cầu kiên cố như cầu Dần Xây, cầu An Nghĩa,… và sắp tới là cầu Bình Khánh nối Cần Giờ gần hơn với Trung tâm Thành phố; tuy nhiên vẫn chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu di chuyển của du khách khi đến đây tham quan.

    Với lượng du khách khá đông đảo thường xuyên đến Cần Giờ để tham quan và nghỉ dưỡng từ Trung tâm Thành phố cũng như từ các khu vực lân cận, đòi hỏi cần có nhiều nghiên cứu và thảo luận hơn nữa để tạo động lực đồng bộ phát triển kinh tế du lịch huyện Cần Giờ.

    2. Làm việc với Ủy ban nhân dân thị trấn Cần Thạnh:

    Là thủ phủ của huyện Cần Giờ, thị trấn Cần Thạnh hiện có khoảng hơn 11 ngàn người dân đang sinh sống tại đây, bao gồm 3148 hộ, với diện tích khoảng hơn 2.400 ha, trong đó diện tích có thể phát triển du lịch nằm khoảng 42 ha.

    Làm việc với đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn, Đoàn công tác thuộc Khoa Kinh tế TNMT đã thu hoạch được một số thông tin và tài liệu quý báu như Bản Đánh giá kết quả phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ năm 2017 và Bản Kế hoạch phát triển kinh tế - du lịch thị trấn Cần Thạnh trong năm 2018 nhằm phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và học tập.

    Bên cạnh đó, theo báo cáo từ đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn, nhìn chung tình hình phát triển kinh tế - du lịch tại Cần Giờ nói chung và thị trấn Cần Thạnh nói riêng có nhiều tiềm năng trong tương lai. Mặc dù hiện tại Cần Thạnh còn đang thiếu kinh phí đầu tư để phát triển, thiếu nguồn nhân lực trẻ trí thức vì khó thu hút lao động có trình độ về đây làm việc, nền kinh tế du lịch tại đây chủ yếu là dựa trên các hoạt động tự phát, không mang tính đồng bộ và thống nhất, kinh tế biển vẫn là chủ yếu, còn du lịch sinh thái hiện tại vẫn chưa có, người dân chủ yếu chỉ trồng xoài để bán cho các thương lái, hệ thống vườn theo chuẩn VietGAP không mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình du lịch chưa đa dạng, dẫn tới không đủ tính hấp dẫn tới các du khách. Tuy nhiên theo nhận định của Đoàn công tác thì huyện Cần Giờ nói chung, cũng như thị trấn Cần Thạnh nói riêng vẫn có nhiều cơ hội để thu hút phát triển du lịch tại đây, đặc biệt là phát triển theo diện mô hình du lịch sinh thái bền vững, vốn đang là xu hướng hiện nay tại các tình thành ven biển ở nước ta.

    Hiện tại huyện Cần Giờ đang có sẵn một số loại hình kinh doanh du lịch như khu vực biển 30/4, đảo ngọc Phương Nam, du lịch ven sông tại xã An Nghĩa, các hộ nuôi hàu ở xã Long Hòa, … Việc tập trung lại và kết hợp các loại hình trên để tạo thành một mô hình du lịch sinh thái bền vững là một ý tưởng khả thi và khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Cần Giờ.

    3. Kế hoạch sắp tới của Đoàn công tác Khoa Kinh tế TNMT:

    Qua kết quả làm việc tại Ủy ban nhân dân thị trấn Cần Thạnh, nhận thấy cần tìm hiểu thêm một số hoạt động nghiên cứu kinh tế du lịch có sẵn trên địa bàn huyện Cần Giờ, Đoàn công tác Khoa Kinh tế dự kiến tiếp theo sẽ có chuyến làm việc với đại diện phòng Kinh tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ trong thời gian tới, cũng như đi khảo sát thực tế một số loại hình kinh doanh du lịch hiện tại trên địa bàn, nhằm phục vụ tốt cho hoạt động nghiên cứu khoa học do Khoa chủ trì sẽ được tổ chức vào tháng 10 sắp tới.

    (Đoàn công tác)