GIỚI THIỆU NHỮNG NÉT CHÍNH VỀ NGHỀ MÔI TRƯỜNG

GIỚI THIỆU NHỮNG NÉT CHÍNH VỀ NGHỀ MÔI TRƯỜNG
Ngày đăng: 18/06/2018 18:17:00:PM | 666
 Mục lục bài viết

    Ngày nay, môi trường không còn là vấn đề của một địa phương hay một quốc gia nữa mà đã trở thành mối quan tâm chung của toàn nhân loại. Việc phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hoá và phát triển công nghiệp mạnh mẽ ở nước ta, cùng với nhận thức chưa đầy đủ, thiếu trách nhiệm của con người khiến môi trường xuống cấp nghiêm trọng. Điều này dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
    Trước hàng loạt vấn đề cấp bách đó, một trong những giải pháp mà Nhà nước ta hết sức chú trọng là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo cán bộ chuyên gia về lĩnh vực môi trường, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ môi trường đất nước, gìn giữ Trái Đất - Hành tinh xanh - Ngôi nhà chung cho thế hệ mai sau.
     

    * Câu chuyện môi trường:
    - Giọt nước mắt hạnh phúc:
    Đó là giọt nước mắt rơi lặng lẽ trên khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của người phụ nữ châu Phi. Bà khóc không phải vì niềm vui của riêng mình mà cho tất cả những người bạn đã cùng chia sẻ bao khó khăn vất vả trong công cuộc bảo vệ môi trường ở Kenya. Bà là nhà môi trường Wangari Muta Maathai - người phụ nữ da đen đầu tiên đoạt giải Nobel Hoà bình.

    Hình ảnh về bà Wangari Muta Maathai

    Chứng kiến cảnh diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp nhanh chóng, Maathai rất đau lòng. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, “lá phổi” của đất nước, ngôi nhà của các loài động vật hoang dã sẽ biến mất trong nay mai. Là một nhà môi trường, bà tự nhủ mình cần phải bắt tay vào làm điều gì đó, không những cho thế hệ của mình mà cho cả mai sau.
    Với ước vọng ấy, năm 1977, Maathai đứng ra sáng lập phong trào Vành đai xanh tại Kenya. Từ 9 cây xanh đầu tiên, đến nay đã có 30 triệu cây xanh được trồng trên khắp lục địa châu Phi, giúp bảo tồn hệ sinh thái, gìn giữ ngôi nhà cho các loài động vật hoang dã, tạo ra tài nguyên và thực phẩm cho con người. Điều đáng nói là từ chương trình này, hơn 30.000 phụ nữ nghèo đã được tạo công ăn việc làm và thu nhập.
    Ở tuổi 64, với những đóng góp lớn cho sự phát triển bền vững, dân chủ và hoà bình của châu Phi, Maathai đã vượt lên 194 ứng cử viên, xứng đáng nhận giải thưởng cao quý mà bất cứ ai trên hành tinh này cũng ngưỡng mộ và ao ước.
    Giọt nước mắt hạnh phúc của Maathai như một thông điệp đầy ý nghĩa: Hãy giữ cho Trái Đất của chúng ta mãi xanh! Những mầm xanh kia sẽ thắp sáng niềm hi vọng cho các thế hệ mai sau sống an vui trong mái nhà chung này.
     

    * Môi trường và ngành khoa học môi trường là gì:
    - Môi trường là gì:
    Ngày nay, bạn thường nghe nói rất nhiều tới môi trường và bảo vệ môi trường. Đã bao giờ bạn tự hỏi môi trường là gì?
    Hiểu một cách chung và đơn giản nhất, môi trường là tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội, có ảnh hưởng đến một sinh vật hoặc một hệ xác định khác trong thời gian sống của nó.
    Theo Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam năm 2014, “Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật, Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật và các hình thái vật chất khác”.

    Phân loại môi trường theo cách thông thường

    Như vậy, môi trường sống của con người thường được phân chia thành:
    + Môi trường tự nhiên:
    Bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lí, hoá học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người nhưng cũng chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi, sông, biển, không khí, động thực vật, đất, nước…
    Môi trường tự nhiên cho ta không khí để thở, đất để xây nhà cửa, trồng trọt, chăn nuôi… cung cấp cho con người các loại tài nguyên…
    + Môi trường xã hội:
    Là tổng thể các mối quan hệ giữa con người với con người. Đó là luật lệ, thể chế, cam kết, quy định…
    Môi trường xã hội định hướng hoạt động của con người theo một khuôn khổ nhất định, tạo nên sức mạnh tập thể thuận lợi cho sự phát triển, khiến con người khác với các sinh vật khác.
    + Môi trường nhân tạo:
    Là tất cả các nhân tố do con người tạo nên hoặc những nhân tố tự nhiên được con người biến đổi thành những tiện nghi trong cuộc sống như nhà ở, công sở, công viên, các khu đô thị, các phương tiện đi lại…
    - Chức năng của môi trường:
    Môi trường có nhiều chức năng khác nhau, trong đó chủ yếu để phục vụ những nhu cầu của con người và các loài sinh vật khác.
    - Ngành khoa học môi trường nghiên cứu gì:
    Khoa học môi trường nghiên cứu mối quan hệ và tương tác qua lại giữa con người với con người, giữa con người với thế giới sinh vật và môi trường vật lí xung quanh. Mục đích cuối cùng của ngành này là bảo vệ và cải thiện môi trường sống của con người trên Trái Đất. Do đó, đối tượng nghiên cứu cụ thể của khoa học môi trường là môi trường tự nhiên, môi trường xã hội cũng như môi trường nhân tạo trong mối quan hệ tương hỗ giữa sinh vật và con người.
    Khoa học môi trường là một ngành khoa học tổng hợp, sử dụng và phối hợp thông tin, kiến thức từ nhiều lĩnh vực như: sinh học, hoá học, địa chất, thổ nhưỡng, vật lí, kinh tế học, xã hội học, khoa học quản lí và chính trị học… Vậy nên nhà môi trường thường cộng tác với nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau.
     

    * Công việc của nhà môi trường:
    Các nhà môi trường luôn là những người tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường, góp sức mình và giúp mọi người cùng tháo gỡ những thách thức môi trường hiện nay. Họ không chỉ làm việc trong phạm vi đất nước mình mà còn ở khu vực, thậm chí trên toàn cầu.
    Công việc của các nhà môi trường rất đa dạng và linh hoạt. Về cơ bản, bạn có thể tìm thấy vị trí của mình ở ba lĩnh vực sau:
    - Quản lí môi trường:
    Làm việc trong lĩnh vực này, nhà môi trường nghiên cứu đặc điểm của các thành phần môi trường tự nhiên (đất, nước, không khí, hệ sinh thái…), hoặc môi trường nhân tạo (khu công nghiệp, đô thị, nông thôn…) Bên cạnh đó, anh ta nghiên cứu mối quan hệ và tác động qua lại giữa con người với các thành phần của môi trường sống. Từ các nghiên cứu ấy, nhà môi trường đưa ra những tư vấn thiết thực cho người quản lí trong các công trình, dự án có liên quan đến môi trường.
    Chẳng hạn khi có một dự án xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp hay công trình thuỷ điện, trước tiên người ta tiến hành đánh giá những tác động xấu và tốt của dự án đến môi trường. Các nhà lãnh đạo sẽ dựa vào những đánh giá ấy để cân nhắc xem có nên tiếp tục dự án hay dừng lại để giữ gìn cảnh quan, môi trường sinh thái.
    Nhiệm vụ của các nhà quản lí môi trường còn là nghiên cứu các công cụ quản lí môi trường với các biện pháp về kinh tế (quy định “nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “cô-ta ô nhiễm”, “nhãn sinh thái”…) cũng như các biện pháp về luật pháp, xã hội, nhằm bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của vùng, quốc gia, toàn cầu…
    Với những kiến thức chuyên môn, nhà môi trường giúp quốc gia mình hoàn thiện luật pháp, chính sách về môi trường sao cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lí nhất.
    Nhà quản lí môi trường cũng cần theo dõi, giám sát các đối tượng thuộc phạm vi quản lí của mình. Chẳng hạn khi một cơ sở gây ô nhiễm môi trường, những người quản lí môi trường cần có các biện pháp xử lí và xử phạt kịp thời, tránh xảy ra những sự cố môi trường… Không chỉ vậy, chính những nhà môi trường cũng có thể là thành viên của nhà máy, tham gia vào quy trình đảm bảo chất lượng môi trường ở đó, giúp nhà máy đảm bảo các tiêu chuẩn về nước thải, khí thải hay rác thải… trước khi thải ra môi trường.
    - Công nghệ môi trường:
    Làm việc trong lĩnh vực này, nhà môi trường nghiên cứu công nghệ, kĩ thuật xử lí ô nhiễm, bảo vệ chất lượng, môi trường sống của con người. Bạn có thể tham gia, thậm chí làm chủ nhiệm một đề tài về công nghệ làm sạch môi trường như công nghệ xử lí nước thải, khí thải hay rác thải… Cũng có thể bạn sẽ là kĩ sư thiết kế quy trình, máy móc xử lí ô nhiễm, hoặc trực tiếp tham gia vào các công đoạn trong quá trình xử lí để đảm bảo quy trình vận hành tốt nhất. Hiện nay, cả thế giới đang tập trung nghiên cứu để tìm ra những công nghệ xử lí môi trường hiệu quả, các quy trình công nghệ sản xuất, máy móc thải ra ít chất thải, thiết bị thân thiện với môi trường…
    Bên cạnh các công nghệ xử lí chất thải, trong lĩnh vực công nghệ môi trường, nhà môi trường còn nghiên cứu các chỉ tiêu môi trường (chỉ tiêu về nước thải, khí thải…). Những tiêu chuẩn này chính là cơ sở để các nhà quản lí, thanh tra môi trường đánh giá xem một nhà máy, xí nghiệp… có gây ô nhiễm môi trường hay không.
    Lúc này, nhà môi trường làm việc trong các phòng thí nghiệm, các trung tâm hay viện công nghệ môi trường để phân tích các thành phần, yếu tố hoá học, sinh học… của các dạng vật chất như các mẫu đất, nước, rác thải, chất thải…
    - Sinh thái môi trường:
    Bảo tồn thiên nhiên và các loài động, thực vật hoang dã cũng là nhiệm vụ trọng điểm của các nhà môi trường. Thiên nhiên cũng như động thực vật hoang dã đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi chính con người. Các nhà môi trường đóng góp công sức mình bằng những biện pháp thiết thực như vận động, giáo dục, tuyên truyền, đấu tranh chống những hoạt động săn bắt những động vật quý hiếm…
    Như vậy, điều kiện làm việc của các nhà môi trường rất đa dạng và phong phú. Giữa các lĩnh vực trong ngành này không có sự phân định rạch ròi mà bổ sung, hỗ trợ cho nhau, cùng phục vụ mục tiêu chung là đảm bảo chất lượng môi trường sống của con người và các loài sinh vật.
    Nhà quản lí cũng cần phải nắm chắc những quy trình, công nghệ xử lí hay những phương pháp phân tích chung để có thể đưa ra những quyết định, chính sách đúng đắn, phù hợp. Nhà sinh thái cũng có thể là những nhà quản lí để đưa ra những biện pháp bảo tồn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội như: quản lí bền vững biển hay du lịch sinh thái…
     

    * Tám nhiệm vụ cốt yếu của những người làm công tác môi trường:
    - Ổn định dân số:
    Sẽ không có hi vọng cho một thế giới hoà bình, công bằng và phát triển bền vững một khi vấn đề dân số chưa được giải quyết.
    Bùng nổ dân số là vấn đề nóng bỏng ở các nước đang phát triển và cần đến sự hợp tác toàn cầu để cùng tháo gỡ. Trong đó, các nước phát triển cần giúp đỡ các nước đang phát triển về kinh nghiệm, trang thiết bị và tài chính để thực hiện thành công kế hoạch hoá gia đình.
    - Cân bằng phân phối sản phẩm môi trường:
    Hiện nay, các nước công nghiệp phát triển với số dân chỉ chiếm khoảng 23-25% dân số thế giới nhưng lại kiểm soát tới 85% các nguồn tài chính. Các nước đang phát triển phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nước mình để xuất khẩu nhằm phát triển kinh tế trong khi những nước phát triển sử dụng ưu thế tài chính để có được tài nguyên với chi phí thấp.
    - Nâng cao vai trò của người phụ nữ:
    Phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số. Họ là những người mẹ và người thầy đầu tiên, thường trực, gần gũi nhất của mỗi người.
    Do đó, phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, kế hoạch hoá dân số, bảo vệ các di sản, văn hoá truyền thống… Việc cải thiện vị thế của phụ nữ là một vấn đề lớn của phát triển bền vững.
    - Tìm kiếm những nguồn năng lượng mới:
    Việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch đã thải ra môi trường nhiều khí độc hại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và cuộc sống của người, gây hiệu ứng nhà kính, phá huỷ tầng ôzôn.
    Xu thế chung của thế giới hiện nay là tìm kiếm và sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch. Ngày càng có nhiều quốc gia tập trung vào hướng đi này, thay thế cho những nhiên liệu hoá thạch truyền thống.
    Có nhiều biện pháp đã được các nhà khoa học, công nghệ đưa ra. Trong đó, những biện pháp chủ yếu là: xây dựng các loại tuốc bin khí, xây dựng các trạm thuỷ điện, sử dụng năng lượng gió, năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời, năng lượng khí hiđrô…
    - Hợp tác quốc tế và khu vực:
    Môi trường là vấn đề toàn cầu nên hợp tác quốc tế giữ vai trò quan trọng trong công việc của nhà môi trường. Chẳng hạn khí thải công nghiệp của những nước công nghiệp phát triển như Mĩ, Anh, Nhật Bản… gây ra mưa axit ở các nước khác, đòi hỏi phải phối hợp để cùng giải quyết.
    Các tổ chức quốc tế sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khu vực để tăng cường trao đổi thông tin, cung cấp viện trợ về tài chính, kĩ thuật, kinh nghiệm, tri thức, công nghệ giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
    - Bảo tồn đất, nước và đa dạng sinh học:
    Chúng ta đang sống trong một thế giới mà vài thập niên gần đây đã có một phần tư số loài động, thực vật, vi sinh vật và nấm bị tuyệt chủng. Một khi các loài này đã mất, chúng sẽ mất vĩnh viễn. Đa dạng sinh học và tài nguyên sinh học đối với bất cứ vùng nào, nước nào đều có ý nghĩa sống còn.
    Vấn đề ô nhiễm đất và nước hiện đang diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng. Bởi vậy, nhiệm vụ của các nhà môi trường là giúp các quốc gia có những quy hoạch và kế hoạch sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đất và nước tại tất cả các vùng, thông qua những mô hình sử dụng hợp lí, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật.
    - Xã hội hoá bảo vệ môi trường:
    Huy động toàn xã hội tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn ngôi nhà chung Trái Đất là nhiệm vụ lớn của nhà môi trường.
    Họ xây dựng những chương trình nhằm tăng cường vai trò của cộng đồng trong việc giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường ở địa phương, cơ sở, cũng như trực tiếp tham gia giải quyết các vấn đề môi trường.
    - Giáo dục môi trường:
    Giáo dục môi trường có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành thái độ, cách ứng xử của cộng đồng với môi trường.
    Thông qua các lớp học, các phương tiện truyền thông đại chúng, nhà môi trường thiết kế các chương trình giáo dục nhằm xây dựng và tăng cường ý thức cũng như
    kiến thức về môi trường, bảo vệ môi trường của nhân dân. Một trong những mục tiêu của nhà môi trường là xây dựng lối sống tiết kiệm, ít phế thải.
     

    * Nhà môi trường làm việc ở đâu:
    - Các cơ quan quản lí, nghiên cứu về môi trường:
    Trước tiên, bạn có thể làm việc trong các cơ quan quản lí về môi trường của Nhà nước. Hiện nước ta có một hệ thống các cơ quan về môi trường từ trung ương đến địa phương: Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, viện nghiên cứu trực thuộc Bộ, các sở tài nguyên môi trường tại các tỉnh, thành phố…
    Các cơ quan hành chính các cấp trong cả nước cũng đang hoàn thiện những phòng, ban về tài nguyên và môi trường.
    Nếu bạn mong muốn trở thành nhà khoa học, nghiên cứu về môi trường, bạn có thể làm việc tại các trung tâm, các viện nghiên cứu về môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các trường đại học, cao đẳng…
    - Các nhà máy, xí nghiệp:
    Trước hết, bạn sẽ trở thành nhà nghiên cứu hoặc kĩ sư môi trường trong các công ty về môi trường. Tại đây, bạn nghiên cứu những công nghệ, thiết bị, máy móc… giúp xử lí các vấn đề môi trường hoặc tư vấn, thiết kế, thi công, lắp đặt những công trình có liên quan đến môi trường…
    Ngoài ra, với kiến thức chuyên môn về môi trường, bạn có thể tới làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp khác, tham gia trực tiếp vào việc chuyển giao công nghệ, vận hành và giám sát các quy trình công nghệ cũng như xử lí các vấn đề môi trường phát sinh…
    Việc sử dụng những quy trình công nghệ đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường là xu thế tất yếu của phát triển bền vững. Hiện nay, nhiều nhà máy đã có những quy trình công nghệ như thế. Để đảm bảo vận hành và giám sát những quy trình này cần có sự phối hợp của kĩ sư môi trường.
    Trong những cơ sở sản xuất có ảnh hưởng nhiều tới môi trường, vai trò của kĩ sư môi trường rất quan trọng. Chẳng hạn trong các ngành công nghiệp năng lượng như công nghiệp lọc hoá dầu, những người quản lí luôn chú trọng tìm kiếm các kĩ sư môi trường giỏi. Lúc này, ngoài kiến thức nói chung về môi trường và công nghệ môi trường, nhà môi trường còn cần đi sâu vào một số chuyên ngành nhất định.
    - Các tổ chức trong nước và quốc tế về môi trường:
    Gìn giữ hành tinh xanh là nhiệm vụ chung của cả nhân loại. Nó đòi hỏi sự hợp tác trên toàn thế giới. Bởi vậy, hiện nay, trên thế giới có nhiều tổ chức môi trường như các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ… hoạt động rất mạnh. Ngoài ra, không ít tổ chức phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá khác cũng tổ chức các dự án, hoạt động về môi trường.
    Các tổ chức như vậy là những nơi làm việc khá lí tưởng của nhà môi trường. Tại đây, bạn sẽ có nhiều cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế. Bạn cũng sẽ được tham gia vào những chương trình, dự án về môi trường trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế, được đi tới nhiều nơi, mở rộng tầm hiểu biết và cả kiến thức, kĩ năng chuyên môn của mình.
     

    * Vì sao chọn nghề môi trường:
    - Mối quan tâm chung của toàn xã hội:
    Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tất cả các quốc gia. Ngày nay, vấn đề môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người nên thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Việc bảo vệ môi trường không những được các nhà lãnh đạo quan tâm mà cả những người dân bình thường cũng rất chú ý. Đặc biệt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro môi trường.
    Ai trong chúng ta cũng đều mong muốn sống và làm việc trong một môi trường trong sạch và an toàn. Đây là một điều kiện thuận lợi để bạn có thể góp sức mình trong nhiệm vụ chung của đất nước.
    - Môi trường làm việc năng động và đa dạng:
    Như bạn đã biết, điều kiện hoạt động của ngành môi trường rất rộng. Bạn có thể làm việc trong những khu công nghiệp với những dây chuyền máy móc hiện đại hoặc làm việc trong cơ quan Nhà nước, trong những phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu… Và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu bạn trở thành đại diện của một tổ chức môi trường quốc tế, làm việc tại các thành phố lớn hay miền xa xôi nào đó của Tổ quốc.
    Do yêu cầu của công việc, nhà môi trường thường phải đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Nếu bạn là người năng động, yêu thích học hỏi và khám phá, hoạt động trong ngành môi trường là cơ hội để bạn thoả chí “lãng du bốn phương” của mình.
    - Cơ hội tiếp cận khoa học, công nghệ, kĩ thuật hiện đại:
    Các nhà máy sản xuất trong các khu công nghiệp hay các bệnh viện hiện nay đều cần có những quy trình xử lí khí thải, nước thải cũng như rác thải độc hại, nguy hiểm. Vận hành và giám sát vận hành những dây chuyền ấy, ngoài kĩ sư tự động hoá hay cơ khí còn cần đến những kĩ sư môi trường giỏi chuyên môn. Ngày nay, một trong những xu hướng nghiên cứu lớn nhất của khoa học kĩ thuật thế giới là tạo ra các quy trình công nghệ thân thiện với môi trường. Bởi vậy, làm việc trong ngành môi trường, bạn sẽ được tiếp cận với những công nghệ mới, những máy móc hiện đại nhất.
    - Cơ hội học tập ở những nước phát triển:
    Các nghiên cứu, ứng dụng về môi trường còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Để sớm tiến kịp thế giới, chúng ta phải học hỏi, kế thừa kinh nghiệm, công nghệ từ các nước tiên tiến. Việc xây dựng nguồn nhân lực mạnh, có trình độ cao, tiếp cận được với những công nghệ mới nhất về môi trường của thế giới đang được Nhà nước tập trung đầu tư. Bởi vậy, nhiều cán bộ trẻ về môi trường đã được cử đi đào tạo tại nước ngoài. Với những kiến thức bài bản và thực tiễn phong phú tiếp thu được, họ trở về và đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
    - Sống hoà mình với thiên nhiên:
    Trở thành một nhà môi trường, cuộc sống của bạn gắn chặt với thiên nhiên như rừng, khu bảo tồn thiên nhiên hay vườn quốc gia… Những nơi đó đang rất cần bạn, nhà hoạt động môi trường tâm huyết, vì lợi ích của nhân dân, quốc gia, và cả hành tinh. Dù bạn chuyên về vấn đề môi trường tại các thành phố, nhà máy, xí nghiệp… cũng không có nghĩa bạn sẽ xa rời thiên nhiên.
    - Những thách thức:
    + Làm việc trong ngành môi trường nghĩa là bạn chấp nhận một cuộc đấu tranh để gìn giữ, bảo vệ môi trường. Vì lợi ích cá nhân, có không ít người đang ngang nhiên phá hoại môi trường. Chẳng hạn như bọn lâm tặc, chặt phá rừng trái phép, buôn bán động vật hoang dã. Là một nhà môi trường tận tâm, bạn đi đầu trong việc ngăn chặn những kẻ phá hoại ấy. Trong công cuộc đấu tranh không khoan nhượng nhằm gìn giữ màu xanh cho hành tinh xanh, đã có những nhà môi trường không chỉ đổ mồ hôi, nước mắt mà cả máu.
    + Những nhà môi trường không thể bảo vệ môi trường nếu chỉ ngồi một chỗ. Họ phải đi vào thực tế để tìm hiểu nguyên nhân, gốc rễ của vấn đề, cùng nhau tìm ra những cách giải quyết hợp lí. Nghề nghiệp mà bạn đã lựa chọn đòi hỏi bạn phải biết hi sinh những lợi ích của bản thân vì lợi ích của nhiều người. Nhưng qua bão giông mới biết tùng bách cứng. Không ai muốn khó khăn, gian khổ. Nhưng biết chấp nhận gian khó để vượt lên thì bạn sẽ thực sự trưởng thành.

     

    * Những phẩm chất cần thiết:
    - Yêu thiên nhiên, môi trường:
    Đây là tố chất đầu tiên cần có, cũng là tố chất quyết định thành công của bạn. Bởi tình yêu này là nguyên nhân đầu tiên để bạn quyết định lựa chọn con đường của nhà môi trường. Đó cũng là động lực để bạn đi hết hành trình gian nan của người bảo vệ hành tinh xanh.
    Yêu thiên nhiên, môi trường nghĩa là bạn yêu quý đất đai, cây cỏ, muông thú, từng dòng sông, con suối, biển cả… Bạn luôn quan tâm tới những sinh vật xung quanh mình, dù đó chỉ là những con côn trùng bé nhỏ, ao ước về một “mái nhà” an lành cho chúng. Bạn luôn mong muốn gìn giữ màu xanh cho Trái Đất, môi trường sống trong lành và bền vững của muôn loài.
    - Năng động, sáng tạo, nhiệt tình và tự tin:
    Bước chân vào nghề môi trường, điều đầu tiên mà bạn có thể nhận ra là khối lượng công việc đồ sộ đang chờ bạn. Những vấn đề về môi trường rất đa dạng, phức tạp, trong khi sức lực của nhà môi trường lại có hạn. Bạn có thể sẽ cảm thấy áp lực công việc căng thẳng với những đề tài nghiên cứu phải hoàn thành gấp gáp, những chuyến đi khảo sát vất vả, hay sự bất hợp tác của một vài cá nhân, tổ chức không ý thức được vai trò quan trọng của việc bảo vệ, giữ gìn môi trường… Lúc này, cùng với tình yêu thiên nhiên, niềm say mê nghề nghiệp, chỉ có sự năng động, sáng tạo nhiệt tình, tự tin mới có thể giúp bạn giải quyết được khối lượng công việc khổng lồ của một nhà môi trường.
    - Cẩn thận, kiên nhẫn:
    Trở thành một chuyên gia về môi trường, sự cẩn thận và kiên nhẫn không thể thiếu trong hành trang của bạn, dù bạn công tác trong lĩnh vực nghiên cứu, quản lí hay công nghệ xử lí môi trường. Đức tính ấy giúp bạn đi đến tận cùng của các nghiên cứu, phân tích về môi trường, đưa ra được những kết luận chính xác. Nó cũng giúp bạn thành công hơn khi thực hiện các chương trình giáo dục môi trường, giúp người dân nhận thức được về các vấn đề môi trường, thúc đẩy họ có ý thức tham gia bảo vệ môi trường.
    - Khả năng làm việc tập thể:
    Môi trường là một ngành rộng lớn, có quan hệ mật thiết với rất nhiều ngành khác trong xã hội. Bởi vậy, nhà môi trường không thể thực hiện tốt công việc của mình nếu đơn độc một mình. Khả năng làm việc, phối hợp công việc với tập thể, các chuyên gia môi trường khác cũng như chuyên gia trong nhiều lĩnh vực rất quan trọng với người làm việc trong ngành này.
    Làm việc tập thể không có nghĩa là bạn mất đi chính kiến và sự tự chủ của bản thân. Khả năng làm việc tập thể biểu hiện ở sự phối hợp công việc nhịp nhàng, cách ứng xử khéo léo, tư duy lôgic trong điều phối công việc, sự cầu thị và học hỏi của bạn. Cùng nhau cống hiến phần sức lực nhỏ bé của mình cho lợi ích chung của toàn nhân loại, vì mục tiêu phát triển bền vững. Đó chính là điều mà những nhà môi trường đích thực hướng tới.
    - Khả năng thuyết trình:
    Không phải ai cũng có thể vượt qua được sự ngượng ngập và lúng túng khi phải thuyết trình trước đám đông. Nhất là khi đánh giá của người nghe có liên quan đến sự sống còn của một chương trình, dự án về môi trường mà bạn đã dành bao tâm sức nghiên cứu và phát triển. Dù dự án, chương trình hành động, nghiên cứu của bạn có hay đến mấy, nếu bạn trình bày lúng túng, không làm nổi bật được những nét hay, ưu điểm vượt trội của nó, không gây được sự chú ý và thiện cảm của người nghe, cũng có nghĩa gần như bạn đã thất bại. Phẩm chất này một phần do bẩm sinh, nhưng phần nhiều do chính quá trình rèn luyện, nỗ lực của bạn.
    - Can đảm và chấp nhận thử thách:
    Quả không phải không có lí khi có người cho rằng các nhà môi trường chính là những chiến sĩ bảo vệ môi trường đầy nhiệt huyết. Họ xây dựng những chương trình hành động để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người. Họ đấu tranh quyết liệt với những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vì lợi nhuận mà cố tình bỏ qua vấn đề an toàn môi trường. Bởi vậy, sự can đảm, chấp nhận thử thách là phẩm chất cần có của một nhà môi trường thực thụ.
     

    * Học nghề môi trường ở đâu:
    Do yêu cầu về đội ngũ nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước ta trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nên trên cả nước hiện có nhiều trường đào tạo những nhà môi trường ở bậc đại học và sau đại học. Nếu bạn mong muốn trở thành nhà môi trường, bạn có thể lựa chọn cho mình địa chỉ đào tạo phù hợp với mình.
    Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo về môi trường không phải là sự lựa chọn duy nhất của bạn để trở thành nhà môi trường. Nếu bạn học ở những ngành liên quan ít đến môi trường, thậm chí không được đào tạo từ các khoa hay các ngành đào tạo môi trường, bạn hoàn toàn vẫn có thể tham gia nghiên cứu cũng như hoạt động bảo vệ môi trường. Điều quan trọng là bạn phải thật lòng yêu quý thiên nhiên, môi trường và mong muốn được góp phần vào việc bảo vệ hành tinh xanh.
    - Một số địa chỉ đào tạo:
    + Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội - 334 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - TP. Hà Nội.
    + Đại học Thái Nguyên - Phường Tân Thịnh - TP. Thái Nguyên.
    + Đại học Bách khoa Hà Nội - 01 Đại Cồ Việt - Hai Bà Trưng - TP. Hà Nội.
    + Đại học Công nghiệp Việt Trì - 09 Tiên Sơn - Phường Tiên Cát - Việt Trì - Phú Thọ. Khu B: Xã Tiên Kiên - Huyện Lâm Thao - Phú Thọ.
    + Đại học Lâm nghiệp Cơ sở chính - Xuân Mai - Hà Nội. Cơ sở 2 - Trảng Bom - Đồng Nai.
    + Đại học Mỏ - Địa chất - Đông Ngạc - Từ Liêm - TP. Hà Nội.
    + Đại học Nông Lâm Bắc - Giang - Huyện Việt Yên - Bắc Giang.
    + Đại học Nông nghiệp Hà Nội - Trâu Quỳ - Gia Lâm - TP. Hà Nội.
    + Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - 41A Phú Diễn - TT Cầu Diễn - Từ Liêm - TP. Hà Nội.
    + Đại học Thuỷ Lợi - Cơ sở phía Bắc: 175 Tây Sơn - Đống Đa - TP. Hà Nội. Cơ sở phía Nam: 02 Trường Sa - Bình Thạnh - TP.HCM.
    + Đại học Xây Dựng - 55 Giải Phóng - Hai Bà Trưng - TP. Hà Nội.
    + Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM - 268 Lý Thường Kiệt - Phường 14 - Quận 10 - TP.HCM.
    + Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM - 227 Nguyễn Văn Cừ - Quận 5 - TP.HCM.
    + Đại học Nông Lâm - Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế - 102 Phùng Hưng - Phường Thuận Thành - TP. Huế.
    + Đại học Bách Khoa, Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng - 41 Lê Duẩn - TP. Đà Nẵng.
    + Đại học An Giang - 18 Ung Văn Khiêm - Phường Đông Xuyên - TP. Long Xuyên - An Giang.
    + Đại học Cần Thơ - Đường 3/2 - Ninh Kiều - TP. Cần Thơ.
    + Đại học Nông lâm TP.HCM - Khu phố 6 - Phường Linh Trung - Thủ Đức - TP.HCM. Phân hiệu tại Gia Lai: 126 Lê Thánh Tôn - TP. Pleiku - Gia Lai. Phân hiệu tại Ninh Thuận: Thị trấn Khánh Hải - Ninh Hải - Ninh Thuận.
    + Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - 236B Lê Văn Sỹ - Phường 1 - Tân Bình - TP.HCM.


    Trích từ "Bách Khoa Thư Ngành Nghề"
    Nhà xuất bản Kim Đồng Năm 2014