100% SINH VIÊN CẤP THOÁT NƯỚC CÓ VIỆC LÀM SAU KHI TỐT NGHIỆP

100% SINH VIÊN CẤP THOÁT NƯỚC CÓ VIỆC LÀM SAU KHI TỐT NGHIỆP
Ngày đăng: 13/04/2024 21:06:00:PM | 296
 Mục lục bài viết

    Kỹ thuật Cấp Thoát nước và Môi trường vốn là chuyên ngành cốt lõi trong xây dựng, quản lý đô thị thông minh với cơ hội việc làm rộng mở. Khi BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, áp lực lên hạ tầng cấp nước và thoát nước ở các đô thị, khu công nghiệp ngày càng gia tăng, thì nguồn nhân lực ngành Cấp Thoát nước càng cần thiết.
    Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TS.NGƯT Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
    Cơ hội việc làm rộng mở
    Thưa ông, Cấp Thoát nước là ngành học có yếu tố thiên về tính kỹ thuật và thường được nhận định là có phần nặng nề "kén" nhân lực? Ông đánh giá về suy nghĩ này như thế nào, thưa ông?
    GS.TS.NGƯT Nguyễn Việt Anh: Cấp Thoát nước là một trong những ngành kỹ thuật nhưng vô cùng gần gũi với cuộc sống thường nhật và đặc biệt cần thiết cho xã hội. Không chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật, ngành học còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác như kinh tế, xã hội, môi trường, và rất có tính nhân văn.
    Do đó, so với nhiều ngành kỹ thuật khác, ngành Cấp Thoát nước có đầu vào mở, không bị bó hẹp. Các bạn thí sinh có dễ dàng lựa chọn đăng ký dự thi với 4 tổ hợp khác nhau như A00 (Toán - Lý - Hóa), A01 (Toán - Lý - Anh), B00 (Toán - Hóa - Sinh) và D07 (Toán - Hóa - Anh).
    Các thí sinh trên mọi miền đất nước, không phân biệt các thành phố lớn hay vùng sâu vùng xa, đều có thể dễ dàng đăng ký. Cũng qua đó, chúng ta có thêm cơ hội đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp nguồn nhân lực ngành Cấp Thoát nước ở cả đô thị và nông thôn.
    Mặt khác, Cấp Thoát nước là ngành học đặc thù với nội dung chương trình học tập không quá khó, các sĩ tử hoàn toàn có thể dựa vào năng lực của mình trong quá trình học tập phổ thông để theo đuổi ngành này mà không cần quá áp lực.
    Ngoài ra, ngành Kỹ thuật Cấp Thoát nước không chỉ phù hợp cho các bạn nam, mà nhiều bạn nữ cũng phát huy được tốt năng lực của mình. Sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, công ty tư vấn thiết kế xây dựng, công ty xây dựng quản lý hạ tầng phát triển đô thị, công nghiệp và nông thôn, công ty kinh doanh thiết bị và giải pháp công nghệ, startup hay tại các trường đại học, viện nghiên cứu,...
    Với cơ hội việc làm phong phú sau khi ra trường, không ít sĩ tử có mong muốn tìm hiểu ngành Cấp Thoát nước. Theo ông, đâu là những tố chất cần thiết đối với một sinh viên khi theo học ngành này?
    GS.TS.NGƯT Nguyễn Việt Anh: Giống như nước, có lúc mềm mại uyển chuyển, có lúc lại ào ạt như thác lũ; có lúc ở thể lỏng, lúc ở thể rắn, hay thậm chí hóa hơi, ngành Cấp Thoát nước không đòi hỏi tố chất đặc thù nào, có chăng là yếu tố linh hoạt uyển chuyển như dòng nước. Bên cạnh các kiến thức chuyên môn, các sinh viên sẽ được trang bị những tố chất này, để có thể thích nghi, linh hoạt giải quyết những bài toán phức tạp trong thực tế.
    Theo tôi, điều quan trọng nhất ngay lúc này là các em thí sinh phải tự tin với quyết định của mình, tự tin theo học ngành Cấp Thoát nước – các em sẽ có thể sống tốt bằng ngành nghề, chăm lo được cho bản thân và gia đình. Có sự tự tin, các em sẽ say mê, yêu quý ngành học, cũng như phát triển sự nghiệp bản thân sau khi tốt nghiệp.
    Đầu ra chất lượng cao
    Hiện nay, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo ngành Cấp Thoát nước uy tín trên cả nước. Vậy trong quá trình học tập tại đây, các sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng như thế nào?
    GS.TS.NGƯT Nguyễn Việt Anh: Với bề dày gần 60 năm đào tạo ngành Cấp Thoát nước, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội là cơ sở hàng đầu trên cả nước đào tạo về lĩnh vực này. Từ khi mới thành lập, ngành Nước đã là một trong những ngành học đầu tiên mà trường tiến hành đào tạo, do nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn vừa kháng chiến, vừa xây dựng đất nước. 
    Đến nay, trong tiến trình đổi mới - công nghiệp hóa, đô thị hóa, ngành học này lại càng được quan tâm để bắt kịp những yêu cầu mới mẻ của cuộc sống. Trường ĐH Xây dựng Hà Nội hiện có gần 6.000 kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ Cấp Thoát nước đã tốt nghiệp, nhiều cựu sinh viên thành đạt, đảm nhiệm những trọng trách trên mọi miền đất nước.
    Nắm bắt các xu thế mới nhất trên thế giới, chương trình đào tạo của nhà trường luôn được cập nhật, đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra của các nhà tuyển dụng lao động. Chương trình đào tạo còn đưa vào những công nghệ mới, các vấn đề "nóng" của thực tiễn, những giải pháp hiện đại như chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong ngành nước, thích ứng với biến đổi khí hậu,… Ví dụ, các công nghệ tiên tiến đang được áp dụng trong thực tế như công nghệ biến nước mặn, nước ô nhiễm thành nước uống được; giải pháp đọc đồng hồ nước từ xa; ứng dụng CNTT chống thất thoát nước; hệ thống tự động giám sát chất lượng nước đầu vào, tối ưu hóa vận hành; hay xu thế Song sinh số (Digital Twins) – giả lập hệ thống ngoài thực tiễn trên máy tính,... được thầy cô đưa vào bài giảng, khiến cho các bạn sinh viên rất thích thú.
    Sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn được thực hiện các đồ án thiết kế. Đây chính là các vấn đề thực tiễn cần phải giải quyết, cho sinh viên có cơ hội tập dượt, qua đó rèn luyện kỹ năng thiết kế, tìm tòi sáng tạo, khả năng tư duy hệ thống. Trong thực tế, có nhiều tình huống không được đề cập trong sách vở, nhưng với cách tư duy logic, tiếp cận nhằm giải quyết vấn đề này, các bạn sinh viên sẽ dễ dàng thích ứng.
    Đặc biệt, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội có mạng lưới các doanh nghiệp đối tác, các cựu sinh viên đang hoạt động tại các doanh nghiệp ngành Nước luôn hỗ trợ thầy và trò. Từ năm thứ 3, nhiều sinh viên đã được tuyển dụng vào làm ở các công ty tư vấn, vừa có mức thu nhập khá, vừa có cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Nhiều cựu sinh viên luôn quan tâm, dõi theo những hoạt động của nhà trường, tài trợ nhiều suất học bổng, tiếp nhận và hướng dẫn sinh viên thực tập, giúp các em không bị bỡ ngỡ với thực tế khi làm việc. Nhờ vậy, sau khi ra trường, sinh viên ngành Nước có thể nhanh chóng nhập cuộc.
    Thêm vào đó, trong quá trình học, sinh viên được thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia các dự án quốc tế cùng các thầy cô, cũng như tiếp xúc với sinh viên quốc tế. Một số sinh viên có cơ hội học lớp tiếng Anh chất lượng cao (MNE), cũng như tham gia các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. 
    Kết thúc chương trình học, nhiều em có thể tự tin bảo vệ đồ án tốt nghiệp bằng tiếng Anh, trước hội đồng đánh giá là các chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên còn nhận được học bổng du học nước ngoài ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ, nhờ sự giới thiệu và giúp đỡ của thầy cô.
    Chính vì thế, chúng tôi tự tin khẳng định: "đầu vào có thể không cao như nhiều ngành đang được cho là "hot" hiện nay, nhưng đầu ra của kỹ sư Cấp Thoát nước là rất tốt".
    Trong công tác tuyển sinh năm 2024, ngành Kỹ thuật Cấp Thoát nước của Trường ĐH Xây dựng sẽ có những điểm mới quan trọng nào mà các thí sinh cần lưu ý, thưa ông?
    GS.TS.NGƯT Nguyễn Việt Anh: Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân ngành Cấp Thoát nước, sinh viên có thể đi làm ngay hoặc tiếp tục học ở bậc kỹ sư hoặc thạc sỹ, theo ngành Nước hay cả ngành khác. Với cách đào tạo liên thông dọc và liên thông ngang này, sinh viên có nhiều lựa chọn cho tương lai của mình. Đây chính là một điểm mới thuận lợi cho sinh viên ở Trường ĐH Xây dựng Hà Nội.
    Thêm vào đó, năm nay trường có 5 phương thức xét tuyển, bao gồm (1) Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPTQG, (2) Xét kết quả học bạ THPT, (3) Xét kết quả thi đánh giá tư duy do ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức, (4) Xét tuyển kết hợp và (5) Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Nhờ thế, các em học sinh có thể dễ dàng lựa chọn phương thức xét tuyển theo năng lực và điều kiện cá nhân.
    Sự sống trên trái đất tồn tại là nhờ có nước. Các nền văn minh trên thế giới cũng đều bắt nguồn từ những lưu vực sông. Những diễn biến cực đoan của BĐKH và các hệ lụy đến từ đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển kinh tế nóng và thiếu bền vững… càng cho thấy vai trò của nước và ngành học Kỹ thuật nước – Môi trường nước. 
    Nhà trường sẵn sàng giải đáp các vướng mắc của sĩ tử thông qua website của trường (tuyensinh.huce.edu.vn), của ngành (vnwater.org), Fanpage Kỹ Thuật Nước – Môi trường Nước – Đại học Xây dựng, các phương tiện thông tin đại chúng, để nhiều thí sinh biết đến và mạnh dạn theo đuổi ngành học quan trọng, rất cần thiết cho xã hội này.
    Trân trọng cảm ơn ông!

    Chung Anh - Đức Huy
    Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam