KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KHOA LUẬT VÀ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
(Thực hiện Chiến lược phát triển Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035)
Căn cứ Quyết định số 160/TĐHTPHCM ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Khoa Luật và Lý luận chính trị;
Căn cứ Quyết định số 37/QĐ–TĐHTPHCM ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM về việc quy định về quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ quản lý các đơn vị thuộc Trường;
Căn cứ Quyết định số 59/QĐ–TĐHTPHCM ngày 27 tháng 01 năm 2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM về việc giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;
Khoa Luật và Lý luận chính trị xây dựng, bổ sung Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Trường đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, như sau:
- Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy
1.1. Mục tiêu: xây dựng Khoa Luật và Lý luận chính trị có đội ngũ cán bộ giảng dạy vững mạnh, đảm bảo về: phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.
Mục tiêu cụ thể: Năm 2025, Khoa có 20 cán bộ giảng dạy cơ hữu, 100% cán bộ giảng dạy có trình độ thạc sĩ, trong đó có 05 cán bộ có trình độ tiến sĩ, tỷ lệ 25%
1.2. Phương hướng và giải pháp thực hiện
- Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với số lượng giảng viên trong khoa hiện nay, trong đó yêu cầu giảng viên đăng ký tham gia đào tạo Tiến sĩ trong và ngoài nước.
- Thu hút, tiếp nhận cán bộ giảng dạy từ bên ngoài có trình độ chuyên môn cao, có năng lực giảng dạy phù hợp (gồm cả cán bộ thỉnh giảng)
- Hằng năm, Khoa tổ chức, cử giảng viên tham gia các khóa tập huấn chuyên môn lý luận chính trị, pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
2. Xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy
2.1. Mục tiêu:
- Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện đầy đủ chương trình đào tạo của Khoa, trong đó có chương trình đào tạo Sau đại học môn triết học.
- Tổ chức biên soạn và nghiệm thu từ 01 – 02 giáo trình chuyên ngành Luật Tài nguyên và Môi trường (khi được Bộ cho phép mở ngành đào tạo).
- Xây dựng, ban hành và sử dụng tài liệu giảng dạy (lưu hành nội bộ) tất cả các môn học.
2.2. Phương hướng và giải pháp thực hiện
- Các bộ môn Lý luận chính trị, Pháp luật rà soát, hoàn chỉnh chương trình đào tạo trong năm học 2017 – 2018.
- Phân công giảng viên biên soạn tài liệu tham khảo và tổ chức góp ý, đánh giá để đưa vào sử dụng nội bộ từ năm 2019.
- Thành lập Tổ biên soạn giáo trình theo chuyên môn (có thể mời cán bộ giảng dạy, chuyên gia bên ngoài tham gia, góp ý).
- Thực hiện biên soạn giáo trình phục vụ công tác đào tạo ngành luật tài nguyên và môi trường trong 02 năm 2019 – 2020.
- Áp dụng mô hình đào tạo theo tín chỉ
3.1. Mục tiêu: Lấy người học làm trung tâm, thay đổi thái độ học tập, nâng cao tính tự giác, tự học tập, ghiên cứu của người học. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa và Nhà trường
3.2. Phương hướng và giải pháp thực hiện
- Thực hiện rà soát, hoàn thiện Đề cương chi tiết các môn học theo tín chỉ năm 2018 – 2019.
- Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học của Khoa để trao đổi, góp ý và lựa chọn phương pháp phù hợp, triển khai thực hiện rộng rãi.
- Phát triển ngành nghề đào tạo
4.1. Mục tiêu:
- Thực hiện giảng dạy các môn Lý luận chính trị và Pháp luật đại cương cho tất cả sinh viên hệ đại học,
- Từ năm 2019, Khoa sẽ thực hiện giảng dạy chương trình Triết học Sau đại học cho khoảng 100 đến 200 học viên cao học.
- Từ năm 2020, đào tạo sinh viên chuyên ngành Luật Tài nguyên và Môi trường mỗi năm từ 100 đến 150 sinh viên.
4.2. Phương hướng và giải pháp thực hiện
- Tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy Triết học sau đại học
- Phân công Giảng viên có trình độ Tiến sĩ (hoặc mời thỉnh giảng) giảng dạy chương trình Triết học Sau đại học
- Tập trung thực hiện hồ sơ mở ngành Luật Tài nguyên và Môi trường, do bộ môn Pháp luật chủ trì.
- Thực hiện công tác giới thiệu, tư vấn tuyển sinh về ngành Luật Tài nguyên và Môi trường;
- Thực hiện công tác đào tạo sinh viên chuyên ngành Luật Tài nguyên và Môi trường theo chương trình được phê duyệt.
5. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học
5.1. Mục tiêu:
- Nghiên cứu khoa học nhằm hỗ trợ, phục vụ cho công tác đào tạo của Khoa.
- Tất cả cán bộ, giảng viên trong khoa đều tham gia nghiên cứu khoa học.
- Mỗi năm có ít nhất 05 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học hoặc các Hội thảo khoa học trong nước và Quốc tế. Từ năm 2018, khoa có đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.
5.2. Phương hướng và giải pháp thực hiện
- Khoa quy định nghiên cứu khoa học là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả công tác. Đầu năm, Khoa yêu cầu cán bộ, giảng viên đăng ký tham gia nghiên cứu khoa học.
- Khoa triển khai các thông tin về nghiên cứu khoa học, kết quả nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên trong khoa và bên ngoài để tham khảo, học tập và thực hiện
- Tổ chức Hội thảo khoa học cấp Khoa và mở rộng để tạo diễn đàn trao đổi học thuật và những kết quả nghiên cứu mới nhất.
- Thực hiện đăng ký đề tài nghiên cứu và triển khai thực hiện đề tài nếu được xét duyệt
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 của Khoa Luật và Lý luận chính trị.
Trân trọng./.
TRƯỞNG KHOA
Hồ Ngọc Vinh